Nhịn ăn để giảm cân, phản khoa học!

14-07-2014 07:20 | Thời sự
google news

SKĐS - Gần đây, người ta truyền nhau phương pháp giảm cân bằng cách nhịn ăn để thanh lọc cơ thể và đã có nhiều người làm theo cách này. Mới đây nhất, ca đột tử của một nữ sinh 18 tuổi ở Hà Nội

LTS: Gần đây, người ta truyền nhau phương pháp giảm cân bằng cách nhịn ăn để thanh lọc cơ thể và đã có nhiều người làm theo cách này. Mới đây nhất, ca đột tử của một nữ sinh 18 tuổi ở Hà Nội (chưa xác định rõ nguyên nhân nhưng được biết nạn nhân cũng đang áp dụng chế độ nhịn ăn 10 ngày trước khi chết) đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ cho những ai đã, đang và mong muốn áp dụng liệu pháp nhịn ăn chữa bệnh hay để giảm cân làm đẹp này. Báo SK&ĐS xin giới thiệu ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực y học hiện đại, y học cổ truyền, dinh dưỡng, tim mạch... luận bàn về vấn đề này ngõ hầu giúp bạn đọc những thông tin khoa học, chuẩn xác và tin cậy.

Nguồn năng lượng dự trữ của cơ thể

Trong cơ thể, lượng nước chiếm 50% đối với người già và khoảng 60% đối với người trẻ. Giả sử đối với một người nặng 50kg, ở người trẻ, lượng nước đã chiếm tới 30kg! Bộ xương của chúng ta nặng vào khoảng 15% trọng lượng cơ thể, tức là nặng khoảng 7,5kg. Từ đó suy ra trọng lượng của toàn bộ phần còn lại (cơ, nội tạng, lớp mỡ, da...) chỉ chiếm 50 – (30 7,5) = 12,5kg. Trong đó, chỉ có lớp mỡ và cơ bắp là nguồn dự trữ năng lượng đáng kể nhất, còn lượng đường dự trữ dưới dạng glycogen chỉ chiếm 1 - 2% tổng lượng cơ, một ít trong hồng cầu và khoảng 10% trọng lượng của gan. Như vậy, nếu nhịn ăn liên tục, cơ thể bạn sẽ nhanh chóng suy sụp!

Một ngày, trung bình mỗi người cần từ 1.800 - 2.000kcal cho chuyển hóa cơ bản và các hoạt động nói chung. Trong đó, chỉ riêng bộ não đã tiêu tới 18% trong tổng số năng lượng nói trên, ước tính khoảng 324kcal, tương đương với 80g đường.

Con người có thể nhịn ăn được bao lâu?

Sau khi nhịn ăn hoàn toàn, con người có thể sống sót được bao lâu phụ thuộc vào cân nặng, hệ gen, tình trạng sức khỏe và quan trọng nhất là có bị mất nước, mất các chất điện giải hay không. Ở tuổi 74, Mahatma Gandhi - nhà đấu tranh phi bạo lực cho nền độc lập của Ấn Độ đã nhịn ăn hoàn toàn tới 21 ngày, chỉ uống nước trắng. Lịch sử cũng ghi nhận những vụ tuyệt thực mà số người sống sót có thể qua được 73 ngày nhịn ăn. Cũng có những người sử dụng các phương pháp khí công, ngồi thiền... trong một thời gian dài mà hầu như không ăn gì đáng kể. Tuy vậy, đó chỉ là những trường hợp ngoại lệ (nhịn ăn để đấu tranh, để tiếp tục tồn tại) còn tuyệt đại đa số chúng ta - những con người bình thường, việc nhịn ăn hoàn toàn trong một thời gian dài luôn kèm theo những hệ lụy đáng tiếc, nói chi đến việc nhịn ăn để đẹp, để sống khỏe hơn.

Nhịn ăn giảm cân có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.

Cơ thể “tự ăn thịt mình” khi bị đói

Khi lượng calo cung cấp cho cơ thể bị giảm hoặc dừng hẳn, đầu tiên, cơ thể sử dụng lượng glycogen dự trữ để chuyển thành đường glucose. Lượng glycogen chỉ có thể đủ cung cấp trong vòng 24h. Khi nguồn này cạn kiệt, cơ thể chuyển sang dùng lượng mỡ dự trữ để chuyển hóa sinh năng lượng. Mỡ sẽ được gan chuyển hóa thành các thể ketone để có thể qua được hàng rào máu não nuôi não bộ thay cho đường glucose. 3-4 ngày tiếp theo, khi lượng mỡ dự trữ đã thuyên giảm, cơ thể lại phải sử dụng đến nguồn protein là thành phần chính của hệ cơ bắp. Protein sẽ được cắt thành các acid amin (amino acid), đi vào hệ tuần hoàn, tới gan và được chuyển hóa thành đường với tỷ lệ vào khoảng 2 - 3g protein thì chuyển được thành 1g đường glucose. Mỗi ngày, để duy trì nguồn năng lượng tối thiểu cho não bộ hoạt động, cần ít nhất 10g glucose hay tương đương 30g protein. Như vậy, nếu nhịn đói, chỉ trong vài ngày, khối lượng cơ của bạn sẽ teo tóp thê thảm. Ở những người béo phì, lượng protein có thể cạn kiệt và bệnh nhân sẽ chết trước khi cơ thể sử dụng hết lượng mỡ dự trữ.

Nhịn ăn kéo dài, nguy hiểm không?

Sau một thời gian nhịn đói, năng lượng dự trữ của cơ thể đã cạn. Bạn sẽ đối mặt với những nguy cơ như: Thứ nhất là nguy cơ hạ đường huyết. Khi lượng đường trong máu xuống quá thấp, não bị thiếu nguồn năng lượng chính nên hoạt động điện học của các tế bào thần kinh sẽ bị rối loạn. Bệnh nhân sẽ nhanh chóng đi vào hôn mê và có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị tích cực. Việc đói ăn gây thiếu năng lượng, thiếu các vi chất như đồng, kẽm... và các chất điện giải chính như canxi, natri, kali từ đó dẫn tới tổn thương các tạng quan trọng như tim, thận, phổi và trong phần lớn các trường hợp, bệnh nhân tử vong do loạn nhịp tim hoặc ngừng tim. Bên cạnh đó, nhịn ăn kéo dài cũng có thể gây nên những bệnh đường tiêu hóa mà đặc biệt là nhiễm khuẩn kỵ khí gây viêm ruột hoại tử sau khi ăn trở lại.

Thay cho lời kết

Qua phân tích như trên, việc giảm cân không bao giờ gắn liền với một chế độ nhịn ăn kéo dài. Bạn vẫn phải duy trì việc ăn uống để cung cấp đầy đủ calo cho cơ thể hoạt động bình thường và tăng cường tập luyện để “đốt cháy” lượng mỡ thừa một cách từ từ theo những phác đồ do các chuyên gia về dinh dưỡng tư vấn cho bạn. Cổ nhân có câu “dục tốc bất đạt”, thành Rome không xây dựng xong trong một ngày. Mọi thứ đều phải có lộ trình và đòi hỏi thời gian. Nếu bạn nôn nóng, không có phương pháp giảm cân khoa học thì sẽ chuốc lấy những hậu quả khôn lường.

TS.BS. Vũ Đức Định

(Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV E Trung ương)

 

Ý kiến chuyên gia

ThS.BS. Lê Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia: Sụt cân quá nhanh sẽ gây hại

Nhịn ăn không phải là biện pháp giảm cân khoa học, tuy nhiên, trên thực tế vẫn có một số người áp dụng nhưng không thể áp dụng đại trà, đồng loạt. Mỗi người có một thể trạng và sức khỏe khác nhau, vì thế, khi muốn ăn kiêng, cần có một giải pháp dinh dưỡng an toàn, hợp lý với từng người; phải đến bác sĩ thăm khám kiểm tra sức khỏe toàn diện để được tư vấn hợp lý nhất.

Theo quy định, mỗi người chỉ được phép giảm tối đa 10% cân nặng trong 1 tháng. Tức là với người nặng 80kg thì chỉ nên giảm tối đa 8kg trong thời gian 1 tháng, còn an toàn nhất chỉ nên giảm 5% cân nặng trong 1 tháng. Việc sụt cân quá nhanh có nguy cơ gây rối loạn chuyển hóa, có hại cho các bộ phận khác của cơ thể như hệ bài tiết, hệ tiêu hóa, hệ tim mạch.

Một người trưởng thành bình thường cần tối thiểu 1.000 - 1.200kcalo cho  chuyển hóa cơ bản hàng ngày (nếu năng lượng đưa vào dưới 800 kcal/ngày là phải được theo dõi trong bệnh viện dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ. Còn thực hiện giảm cân tại nhà thì năng lượng đưa vào ít nhất cũng phải là 1.000Kcalo). Hoạt động của tế bào não chỉ sử dụng năng lượng từ đường glucose chứ không dùng đến đạm và chất béo như các cơ quan khác (trong cơ thể). Do vậy, khi bị thiếu hụt năng lượng một cách đột ngột sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào não khiến người bệnh đi vào hôn mê nếu đường trong máu hạ quá thấp.

TS.BS. Lê Văn Trường - Chủ nhiệm Khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch, BV TW Quân đội 108: Nhịn ăn có thể “phóng thích” nguy cơ đột tử có sẵn

Nhịn ăn để “thanh lọc cơ thể”, nhưng thực chất chỉ là mong ước loại bỏ lượng mỡ thừa ngoài sự mong đợi của những người béo, không phải là phương pháp khoa học. Không đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày, cơ thể sẽ huy động năng lượng trong các kho dự trữ, chủ yếu là trong gan, cơ và sau đó mới mở cửa kho mỡ. Sự huy động đó không thể đầy đủ, cơ thể không thể hoạt động bình thường, kể cả trí tuệ và thể lực nên sau một thời gian nhịn ăn, có thể ta sẽ giảm được một số kg cân nặng, nhưng sẽ là một cơ thể chưa kịp gầy đã yếu! Và thường sau khóa nhịn ăn sẽ là kỳ trả bữa nên béo sẽ lại hoàn mũm mĩm.

Nhịn ăn có gây chết người nhưng là cái chết từ từ sau khi cơ thể đã suy kiệt năng lượng, nôm na là chết đói. Y học kim cổ chưa 1 lần công bố nhịn ăn gây đột tử. Tuy nhiên, những bệnh gây đột tử có thể đang ém sẵn trong cơ thể của người nhịn ăn như đột quỵ não do chảy máu não diện rộng gây ngừng tim, ngừng thở hoặc nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim gây ngừng tuần hoàn... Những tình huống này có thể xảy ra bất kể lúc nào và ở bất kể cơ thể nào chẳng may mang bệnh đó.

Thiển nghĩ, để đạt hiệu quả và an toàn khi muốn thực hiện “thanh lọc cơ thể”, việc cần làm đầu tiên là “thanh lọc tư duy”, hãy là bác sĩ của chính mình trong việc thực hiện hài hòa chế độ ăn uống, lao động và luyện tập phù hợp với mỗi người.

ThS.BS. Hoàng Khánh Toàn - Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền (YHCT) BV TWQĐ 108: Chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định hiệu quả trị bệnh của phương pháp nhịn ăn

Nhịn ăn là một phương pháp (PP) trị bệnh đã có lịch sử khá lâu đời ở cả phương Đông và phương Tây. Thực tế, có không ít trường hợp để chữa trị các loại bệnh khác nhau như bệnh vẩy nến, viêm da dị ứng, kể cả bệnh ung thư..., bệnh nhân đã tự sử dụng PP nhịn ăn và đem lại hiệu quả ở các mức độ khác nhau cũng đã có những trường hợp bệnh thuyên giảm hoặc khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào đánh giá hiệu quả trị bệnh của PP này.

Việc thực hiện ăn kiêng để giảm béo hay chữa bệnh cũng có những chống chỉ định với từng trường hợp. Do đó, việc người bệnh nhịn ăn chữa bệnh sẽ rất nguy hiểm nếu như không có sự tư vấn và theo dõi của thầy thuốc. Bởi thế, trong YHCT phải tuân thủ nguyên tắc “tam nhân thế nhi”, nghĩa là: Nhân nhân thế nhi (tùy người mà dùng); Nhân địa thế nhi (tùy nơi mà dùng); Nhân thời thế nhi (tùy lúc mà dùng).

ThS.BS. Nguyễn Hoàng Hà - Trưởng khoa Ngoại Tim mạch BV ĐKQT Vinmec: Nhịn ăn dẫn đến những hậu quả khó lường

Phần lớn những người nhịn ăn thường có suy nghĩ chữa bệnh hoặc kiểm soát cơ thể theo những chiều hướng không gần thực tế nên tôi không chắc họ đã kiểm tra sức khỏe toàn diện trước khi tiến hành nhịn ăn. Việc bỏ sót các bệnh về tim mạch (các rối loạn nhịp tim, bệnh mạch vành, bệnh van tim...) hoặc các bệnh về nội tiết chuyển hóa (ví dụ như đái tháo đường, rối loạn chức năng tuyến giáp, tuyến thượng thận...) là vô cùng nguy hiểm.

Nguy hiểm của việc nhịn ăn là phần lớn sẽ rơi vào thời kỳ ăn trở lại (tất nhiên ở đây không đề cập đến các trường hợp nhịn đói đến chết). Nếu nhịn ăn kéo dài, khi ăn trở lại, nhất là khi ăn nhiều, sẽ kích thích cơ thể tiết ra insulin. Insulin sẽ kích thích các tế bào lấy phosphat (và kèm theo kali và magne). Insulin cũng làm tế bào tạo ra những phân tử giáng hóa cần phosphat nhiều; điều đó càng làm kiệt lượng phosphat trong cơ thể. Trường hợp trầm trọng sẽ ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hô hấp gây suy tim cấp, rối loạn nhịp tim, truỵ tim mạch, thậm chí tử vong. Các biểu hiện về tim mạch là không hiếm và đối với các trường hợp nhịn ăn lâu ngày phải được theo dõi tại BV với chế độ ăn tăng rất từ từ (cân nặng không tăng quá 1kg/tuần), thường xuyên theo dõi các biến chứng.

 


Ý kiến của bạn