Hà Nội

Nhiều vở diễn có “chất” từ thể nghiệm mới

19-07-2019 07:24 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Để trở nên hấp dẫn, chất lượng, nhiều nhà hát ở nước ta đã nỗ lực sáng tạo và đưa vào vở diễn những thử nghiệm mới lạ.

Đây được xem là hướng đi đúng đắn để sân khấu Việt nói chung, các nhà hát nói riêng tìm được chỗ đứng trong thời buổi văn hóa giải trí nghe nhìn bùng nổ, đưa sân khấu thoát khỏi tình trạng thưa thớt người xem như thời gian qua.

Không khó để nhận thấy sự xuất hiện và du nhập của nhiều loại hình giải trí, văn hóa nghe nhìn thời đại mới đã khiến cho sân khấu Việt vốn đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, giữ chân khán giả lại càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, nhiều vở diễn của các nhà hát tuy nội dung, tư tưởng vẫn chứa đựng giá trị nghệ thuật, nhưng cách thể hiện thiếu sự mới lạ chưa phù hợp thị hiếu, xu hướng thời đại nên khán giả không mấy mặn mà. Cùng với trang thiết bị lạc hậu, thiếu sàn diễn đạt chuẩn, thiếu kinh phí dàn dựng, chế độ đãi ngộ thấp... khiến sân khấu Việt lâu nay gặp nhiều thách thức để duy trì, phát triển.

Đổi mới, sáng tạo cả về nội dung lẫn cách thể hiện để kéo khán giả về phía mình là việc làm mà nhiều nhà hát ở nước ta thời gian qua đã, đang triển khai. Theo đó, nhiều vở diễn đã có tính thể nghiệm, tức là làm mới tác phẩm sân khấu theo các cách khác nhau để lột tả tâm trạng, tình cảm của diễn viên trên sân khấu. Thể nghiệm trong các vở diễn nghĩa là các nhà hát có thể đưa tất cả các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tân tiến nhất lên sân khấu truyền thống sao cho có thể chuyển tải nội dung vở diễn tốt nhất. Chính vì vậy, thời gian gần đây, công chúng dễ nhận thấy các vở diễn thường sử dụng phương pháp kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn như hát văn, chèo, cải lương, hát xẩm, múa, xiếc... trong một tác phẩm. Điều này đã đem lại sự lạ lẫm và những trải nghiệm mới cho người xem.

Nhiều vở diễn có “chất” từ thể nghiệm mớiVì sao lạc xứ - vở cải lương vừa ra mắt khán giả được đánh giá cao.

Gần đây, vở cải lương Vì sao lạc xứ (tác giả Nguyễn Toàn Thắng, đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên) do các nghệ sĩ Nhà hát Cải lương Việt Nam biểu diễn đã ra mắt công chúng và các suất diễn không còn một ghế trống. Vì sao lạc xứ nói về nhân vật lịch sử Hồ Nguyên Trừng (con trai vua Hồ Quý Ly) - người có công phát minh ra súng thần công, được xem là có đóng góp rất sớm cho khoa học Việt Nam. Vở diễn này hút người xem bởi đạo diễn và ê-kíp dàn dựng đã đưa nhiều yếu tố thể nghiệm mới vào tác phẩm, đó là đưa thêm yếu tố hư cấu vào trong tác phẩm để lý giải tâm tư, tình cảm của cha con Hồ Quý Ly và Hồ Nguyên Trừng. Ngoài ra, ê kíp dàn dựng Vì sao lạc xứ đã đưa cải lương thoát ra khỏi tính bi lụy, lỗi thời, sướt mướt khi đạo diễn xử lý không gian sân khấu không bị trói buộc về âm thanh, ánh sáng, âm nhạc... Ngay trong cách chuyển cảnh giữa các màn cũng tạo ấn tượng với khán giả bởi cách xử lý khá tinh tế của ê kíp sáng tạo. Đạo diễn đã chia những lát cắt trên sân khấu và tạo thành nhiều không gian, để khán giả khi xem vở diễn không có cảm giác bị hẫng khi chuyển cảnh.

Thông tin từ Nhà hát Múa rối Việt Nam, vở diễn Thân phận nàng Kiều (tác giả - NSND Lê Chức, nhà văn Nguyễn Hiếu; chuyển thể kịch bản và đạo diễn - NSND Nguyễn Tiến Dũng) dựa theo tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du vừa ra mắt khán giả và tác phẩm này sẽ tham dự Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ IV năm 2019 tại Hà Nội thời gian tới. Đây là vở diễn có nhiều thử nghiệm mới, mang tính đột phá, sáng tạo của các nghệ sĩ khi mạnh dạn đưa nàng Kiều lên sân khấu múa rối. Thân phận nàng Kiều tái hiện, khắc họa tính cách từng nhân vật chính một cách khác biệt và nghệ thuật hóa bằng ngôn ngữ múa rối. Mọi tình tiết, cảnh trí trong Thân phận nàng Kiều được xử lý bằng các mảng miếng, trò diễn múa rối hấp dẫn, không gian - ánh sáng trừu tượng đặc sắc, mới lạ. Âm nhạc có sự kết hợp giữa truyền thống và đương đại chứ không bị bó hẹp hay giới hạn như cách làm truyền thống.

Trong khi đó, cuối tháng 7/2019, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết sẽ trình làng khán giả chương trình “Ký ức Trường Sơn”. Chương trình do NSƯT Tống Toàn Thắng viết kịch bản, sẽ khắc họa hình tượng anh bộ đội Trường Sơn, các cô gái xung phong trên sân khấu xiếc với rất nhiều cảm xúc. Hoạt cảnh Cúc ơi trong chương trình nhằm tưởng nhớ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc sẽ là điểm nhấn, có 10 nữ nghệ sĩ hóa thân thành các nữ thanh niên xung phong đã hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, đem đến cho khán giả những khoảnh khắc khó quên về chiến tranh. Trên nền nhạc ca khúc Cô gái mở đường, các nữ nghệ sĩ mô phỏng cuộc sống lao động, chiến đấu qua các tiết mục nhào lộn, uốn dẻo, thăng bằng đi dây, đu dây...

Thực tế trên cho thấy, nhiều nhà hát đã mạnh dạn đem tính thử nghiệm vào tác phẩm để làm mới nghệ thuật sân khấu. Các vở diễn kết hợp sân khấu truyền thống với sân khấu đương đại với công nghệ cao để tạo những hiệu ứng sân khấu ấn tượng cả về bối cảnh, không gian hoặc thử nghiệm một cách diễn tiết kiệm thoại, thậm chí không thoại, thay bằng các nghệ thuật hình thể, tạo hình, sắp đặt, nghệ thuật ánh sáng, âm thanh...Chính những thử nghiệm mới này đã mở ra một xu hướng mới cho nghệ thuật sân khấu nước nhà, giúp khán giả có thêm những trải nghiệm, tiếp cận nghệ thuật mới lạ và đồng thời mở ra nhiều điều tốt đẹp cho các nhà hát trong tương lai.


Phạm Hoa
Ý kiến của bạn