Nhiều vấn đề trọng tâm Luật Hải quan (sửa đổi) được tiếp thu

30-05-2014 16:25 | Thời sự

SKĐS - Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) có 8 Chương 104 Điều, gộp 1 điều so với dự thảo Luật lần trước. Trong đó giữ nguyên 10 Điều, sửa đổi 57 Điều và bổ sung 37 Điều (trong đó có 12 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết) so với Luật Hải quan hiện hành.

Nhiều vấn đề trọng tâm Luật Hải quan (sửa đổi) được tiếp thu.

Sáng 30-5, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết cho dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Theo chương trình, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua luật này vào ngày 19-6 tới đây.

Mở rộng địa bàn hải quan khi truy đổi, chống buôn lậu.

Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) có 8 Chương 104 Điều, gộp 1 điều so với dự thảo Luật lần trước. Trong đó giữ nguyên 10 Điều, sửa đổi 57 Điều và bổ sung 37 Điều (trong đó có 12 điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết) so với Luật Hải quan hiện hành.

 

Đại biểu thảo luận tại hội trường

Nội dung của dự thảo Luật tập trung vào bốn nhóm vấn đề chính: Nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hải quan…; Nhóm vấn đề về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý hải quan; tăng cường công tác bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia và an ninh kinh tế nhằm phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại; Nhóm vấn đề về sửa đổi, bổ sung những quy định trong Luật hiện hành …; Nhóm vấn đề liên quan đến kiện toàn hệ thống tổ chức Hải quan.

Theo Ông Vũ Ngọc Anh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổ trưởng Tổ biên tập Luật Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, so với dự thảo trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua lần này đã có một số thay đổi sau khi tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Đối với các Quy định về địa bàn hoạt động Hải quan, thẩm quyền chống buôn lậu của lực lượng Hải quan. Ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, một trong những quan điểm sửa đổi Luật Hải quan là nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Việc bổ sung thẩm quyền của Hải quan trong việc truy đuổi ra ngoài địa bàn hải quan là cần thiết nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm vì vậy các nội dung về địa bàn hoạt động hải quan, thẩm quyền truy đuổi liên tục, thẩm quyền tạm giữ người vi phạm... dự thảo Luật lần trước trình đều được ủng hộ và giữ nguyên như dự thảo.

Đối với quy định về kiểm tra sau thông quan. Ông Vũ Ngọc Anh cho biết xuất phát từ việc thay đổi cách thức quản lý, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, việc kiểm tra sau thông quan là khâu quan trọng nhằm bảo đảm kiểm soát chặt chẽ quá trình tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.

 

Lực lượng hải quan Lạng Sơn đang kiểm tra hàng tại cửaa khẩu

Lực lượng hải quan Lạng Sơn đang kiểm tra hàng tại cửa khẩu

 

Cần quy định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong quản lý nhà nước về hải quan.

Góp ý xây dựng Dự án Luật Hải quan (sửa đổi), Đại biểu Trương Văn Vở cho biết Luật Hải Quan (Sửa đổi) cần bổ sung quy định rõ về trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý nhà nước về hải quan, quan trọng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong xây dựng thực hiện các thủ tục hành chính điện tử để thực hiện cấp phép thông báo kết quả kiểm tra của nhà nước chuyên ngành theo cơ chế một cửa quốc gia.

Đại biểu cho rằng Luật Hải Quan phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; phải làm rõ cơ chế phối hợp đối với các tổ chức, cơ quan có liên quan trong quản lý, giám sát hàng xuất, nhập khẩu đồng thời Luật cũng phải bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống luật, nhất là trong hệ thống luật về thuế, quản lý thuế, đặc biệt là xử lý vi phạm hành chính.

Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc bố trí diện tích để thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan thuận lợi như khu vực xếp, dỡ hàng hóa, khu vực kiểm tra thực tế hàng hóa v.v.. khi quy hoạch xây dựng cảng, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp. Trách nhiệm các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp kinh doanh kho bãi. Khi các doanh nghiệp này là một chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình quản lý hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Luật Hải Quan (Sửa đổi) cần bổ sung các chính sách cụ thể nhằm hạn chế thấp nhất luật khung và khắc phục sự thiếu thống nhất khi ban hành văn bản vi phạm pháp luật dưới luật gây khó khăn làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, giám sát của cơ quan hải quan. Đại biểu Trương Văn Vở phân tích; như các vấn đề dán nhãn năng lượng, sản phẩm hàng tiêu dùng, đề kiểm soát nhập khẩu công nghệ máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, thủ tục hải quan đối với hàng nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu…. trong Luật cần quy định rõ chế độ giám sát từ khâu nhập khẩu nhiên liệu, sản xuất ra sản phẩm đến khi xuất khẩu sản phẩm đối với loại hàng hóa này. Vì đây là danh mục hàng hóa hưởng chính sách thuế ưu đãi, cần phải ưu đãi đúng đối tượng, đúng mục đích.

Cùng quan điểm với đại biểu Trương Văn Vở, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng Luật cần làm rõ vai trò giám sát của lực lượng hải quan tại vùng lãnh hải. Tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập cảnh, quá cảnh tuy nhiên nếu quy định như Khoản 4 điều 22 sẽ khó đạt hoạt động xuất nhập cảnh, quá cảnh diễn ra 24/24 giờ các ngày trong tuần tại các cửa khẩu cảng biển, hàng không. Các cơ quan quản lý chuyên ngành tại cửa khẩu có trách nhiệm làm thủ tục cho phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh nên nếu quy định như dự thảo dễ tạo cơ chế độc quyền, xin cho. Phải quy định rõ hải quan bắt buộc phải bố trí bộ phận làm việc 24/24 giờ các ngày trong tuần tại các cửa khẩu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất cảnh nhập cảnh, lưu thông hàng hóa. Đại biểu Trần Ngọc Vinh yêu cầu bổ sung các biện pháp phòng chống buôn lậu cho lực lượng Hải quan vào Khoản 2 Điều 88 của Luật vì đây là những biện pháp đã được áp dụng có hiệu quả thời gian vừa qua.

Văn Hậu- Anh Tuấn


Ý kiến của bạn