Nhiều vấn đề “nóng” được cử tri kiến nghị làm rõ

10-06-2014 23:11 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, ngay trước phiên trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ chiều ngày 10/6

Tiếp tục chương trình làm việc của Quốc hội, ngay trước phiên trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ chiều ngày 10/6,  Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) Nguyễn Đức Hiền đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Theo đó, cử tri cả nước đã gửi đến Quốc hội 2.195 kiến nghị đề cập đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhiều ý kiến đóng góp cụ thể vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; các dự án Luật; kiến nghị về bảo vệ môi trường; xử lý hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; minh bạch giá điện; rà soát quy hoạch thủy điện; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm...

Tình trạng hàng hóa có chứa hóa chất độc hại vẫn còn diễn biến phức tạp

Theo UBTVQH cho biết, tính đến trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ đã trả lời 1.924/1.924 kiến nghị của cử tri. Liên quan đến vấn đề ngăn chặn, xử lý tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Chiến lược quốc gia vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Chính phủ ban hành Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Hải quan và chính quyền địa phương tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia và Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, các bộ, ngành đã tích cực triển khai thực hiện, Bộ Y tế đã ban hành và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý về an toàn thực phẩm như triển khai đề án: nâng cao năng lực truyền thông; cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ; phòng chống gia cầm nhập khẩu trái phép... Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, qua giám sát cũng cho thấy, tình trạng vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa có chứa hóa chất độc hại vẫn còn diễn biến phức tạp. Hiện tượng sử dụng hóa chất, chất cấm, chất phụ gia không rõ nguồn gốc trong bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm trái quy định vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhất là ở các thành phố lớn, gây bức xúc trong nhân dân.

Phòng chống tham nhũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân

Về vấn đề phòng, chống tham nhũng, Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Đức Hiền báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cho thấy, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản tạo cơ sở pháp lý để tiến hành mạnh mẽ công tác này như: Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó chú trọng đấu tranh chống tội phạm kinh tế, chức vụ và tham nhũng; Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;... Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 45 vụ, 99 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, kiến nghị thu hồi 354 tỷ đồng, đã thu được 299,6 tỷ đồng; Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 151 cuộc kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính hơn 22.821 tỷ đồng...  Việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đã từng bước được đẩy mạnh và thực hiện thường xuyên, chặt chẽ hơn, trong đó đã tập trung điều tra, truy tố và đưa ra xét xử 5/8 vụ án nghiêm trọng, phức tạp với mức án nghiêm minh, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, điển hình như việc xử lý các vụ án tham nhũng xảy ra tại: Công ty cho thuê tài chính II, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam... Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Trong khi đó, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Cụ thể, việc điều tra, truy tố một số vụ án còn kéo dài; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức; một số giải pháp hiệu quả thấp. Việc rà soát sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; xử lý vi phạm, tội phạm tham nhũng còn có trường hợp chưa thật nghiêm minh; hiệu quả của việc thu hồi tài sản còn rất thấp... 

    Anh Tuấn

 


Ý kiến của bạn