PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và GS.TS. Đào Văn Long - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết đây là một trong các Hội nghị quốc tế lớn về chuyên ngành tiêu hóa - gan mật ở Việt Nam được tổ chức vào tháng 10 hàng năm nhằm tăng cường năng lực của đội ngũ y tế trong lĩnh vực này.
Các đại biểu đã tập trung chia sẻ, trao đổi và thảo luận những nội dung cập nhật liên quan đến chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý trong chuyên ngành tiêu hóa – gan mật như: Công nghệ liên kết hình ảnh màu sắc (LCI) được sử dụng trong phát hiện các tổn thương ung thư sớm đường tiêu hóa; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi đường tiêu hóa trên; Ngoài ra, các báo cáo đến từ các chuyên gia Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ giúp cập nhật các thăm dò mới giúp chẩn đoán sớm, xử trí những trường hợp khó cũng như chia sẻ kinh nghiệm điều trị trong khu vực... tiếp tục cập nhập những điểm mới trong điều trị bệnh lí trào ngược dạ dày thực quản và vi khuẩn Helicobacter Pylori. Đây là bệnh lí rất phổ biến không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới.
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phát biểu tại Hội Nghị.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện nhóm nghiên cứu tại Việt Nam, TS Đào Việt Hằng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện nay bệnh lý tiêu hóa, gan mật chiếm 30% tổng số bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế, trong khi đó, khả năng đáp ứng của chúng ta còn hạn chế. Theo một nghiên cứu của Đại học Nhật Bản tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam mới chỉ đáp ứng 5% - 10% nhu cầu nội soi của người dân. Tại những trung tâm nội soi lớn, mỗi ngày thực hiện 400-500 ca nội soi, có thể dẫn tới bỏ sót tổn thương và chất lượng nội soi chưa thật sự được bảo đảm, có nguy cơ nhiễm khuẩn từ nội soi.
TS Đào Việt Hằng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đại diện nhóm nghiên cứu tại Việt Nam về Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi đường tiêu hóa trên.
TS Hằng cho biết, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong y tế nói chung và nội soi đường tiêu hóa nói riêng không chỉ phù hợp với xu thế hiện nay mà còn là hướng đi cần thiết đặt ra trong y học bởi những lợi ích to lớn như góp phần nâng cao tỷ lệ phát hiện tổn thương, tránh bỏ sót, tích hợp hệ thống báo cáo tự động và tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt hiện nay. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu và hoàn thiện thuật toán để đưa vào kiểm định và ứng dụng lâm sàng nhằm hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình nội soi cũng như phục vụ công tác đào tạo”, TS. Hằng cho hay.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. Ryoji Miyahara Đại học Nagoya Nhật Bản cho biết: Trên thế giới hiện có nhiều nghiên cứu về ứng dụng AI trong nội soi tiêu hoá và gan mật. Chẳng hạn trong phát hiện polyp đại tràng, AI có thể hỗ trợ phát hiện những polyp rất nhỏ mà bác sĩ có thể bỏ sót trong quá trình nội soi, nhờ đó tránh bỏ sót tổn thương.
Lĩnh vực ung thư dạ dày cũng có nhiều ứng dụng AI. Một nghiên cứu tại Nhật đã sử dụng 13.584 ảnh tĩnh của bệnh nhân ung thư dạ dày để xây dựng thuật toán. Khi ứng dụng thuật toán này vào bộ dữ liệu kiểm chứng cho thấy chỉ có 6 ca bỏ sót tổn thương. 6 ca này rơi vào các trường hợp tổn thương rất nhỏ hoặc tổn thương ở vị trí rất khó quan sát, PGS. Ryoji Miyahara nói.
PGS.TS Ryoji Miyahara, ĐH Y khoa Nagoya Nhật Bản tại Hội nghị Tiêu hóa và Gan mật quốc tế
Được biết, tại Hội nghị, có 9 báo cáo khoa học của các chuyên gia nước ngoài và 1 báo cáo của báo cáo viên từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Đặc biệt, sự có mặt của các chuyên gia hàng đầu thế giới thuộc lĩnh vực tiêu hóa – gan mật nhấn mạnh tầm quan trọng và ảnh hưởng của Hội nghị như GS. Robert Gish (Giám đốc Y khoa Tổ chức Viêm gan virus B, Hoa Kỳ); GS. Francis Chan (Hiệu trưởng khoa Y, Đại học Hồng Kông); GS. Kwang Hyub Han, GS. Sang Hoon Ahn (Đại học Yonsei, Hàn Quốc, Nguyên chủ tịch Hội ung thư gan Châu Á – Thái Bình Dương); và đoàn chuyên gia của Đại học Nagoya, Bệnh viện Meijo, Nhật Bản.