Nhiều ứng dụng kiếm tiền biến mất nhanh chóng
Làn sóng chuyển đổi số và xu hướng đầu tư vào công nghệ tài chính tăng trưởng dữ dội trên toàn cầu trong vài năm gần đây, trong đó xuất hiện vô số những ứng dụng (app) kiếm tiền online trá hình, không được cấp phép và sử dụng mọi chiêu trò thu hút người tham gia. Đến khi các app này sập, hàng nghìn người mất tiền, các nhà đầu tư mới tá hỏa vì đã bị lừa.
Mới đây nhất là sự đổ vỡ của Cool Cat app dưới mô hình “bảo hiểm vốn”, hàng nghìn nhà đầu tư đã không thể truy cập app, không thể rút tiền cũng như không có đầu mối liên hệ.
Sàn giao dịch này được quảng cáo là thực hiện các giao dịch vàng, USD, Bitcoin, giao dịch dự đoán giá ngắn hạn và các sản phẩm khác được ủy quyền và quản lý bởi SCB, kết nối dữ liệu quốc tế theo thời gian thực và kết quả giao dịch công khai, minh bạch. Phương thức rất đơn giản, mỗi ngày, nhà đầu tư sẽ bấm dự đoán giá vàng, ngoại tệ, tiền ảo, Bitcoin,... lên hoặc xuống. Nếu đoán đúng, nhà đầu tư nhận được 73% tiền thắng. Nếu sai, vốn của họ sẽ bị trừ tiền. Nhưng khi thua liên tiếp 6 lần thì nhà đầu tư phải dừng lại. Khi đó, các chuyên gia Coolcat sẽ “đánh hộ” ván 7 với cam kết thắng 80-90% để bù lỗ. Nếu không, Coolcat sẽ đền 100% số tiền thua của 6 lần trước.
Ứng dụng Coolcat với cam kết bảo đảm 100% vốn cho người đầu tư vừa mới lộ mặt là app lừa đảo khi đột nhiên không thể truy cập được vài ngày gần đây. Trang web https://coolcatvietnam.com cũng bất ngờ ngừng hoạt động.
Một người tham gia đầu tư trên Coolcat cho biết bà được người quen giới thiệu đây là ứng dụng đầu tư tiền bảo đảm 100% vốn và có lãi. “Người đó nói thấy đầu tư cũng được lắm, coi như có tiền chợ hằng ngày nên tôi đã tham gia và chuyển vào app 10 triệu đồng”. Sau khi bỏ vốn đầu tư, người tham gia được hướng dẫn cài đặt ứng dụng và mỗi ngày vào bấm dự đoán giá Bitcoin, giá vàng lên xuống. Sau mỗi ngày chơi, người đầu tư sẽ có lời từ 2-3 USD. Khi gom đủ lãi ít nhất 10 USD, người chơi sẽ được rút tiền ra. Rút được 2 lần lãi tổng cộng 60 USD trong vòng 20 ngày thì ứng dụng đó bị sập, coi như mất số tiền vốn còn lại. Trường hợp trên, số tiền đầu tư vào app Coolcat là rất nhỏ so với nhiều người khác, đầu tư cả tiền tỷ mà không biết làm cách nào để rút được nốt vốn. Qua thống kê online thì trong vòng chưa đến 1 tuần, đã có hơn 1.700 người báo bị thiệt hại với số tiền rất lớn, nhiều người bỏ từ 1-2 tỷ đồng tham gia vào Coolcat.
Dù truyền thông liên tục cảnh báo về các ứng dụng có dấu hiệu lừa đảo, nhưng nhiều người vẫn tham gia rất mù quáng.
Tuy nhiên, không ít người vẫn ôm mộng có thể lấy lại được số tiền đã mất. Trên trang Facebook “Coolcat Việt Nam - Đầu tư an toàn”, một thành viên tên P.B.T đăng bài viết với nội dung: “Anh em nào bị lừa ở Coolcat thì vào nhóm với mình quyết tâm lấy lại nhé”. Tương tự, thành viên khác có tên Đ.M.T cũng quảng cáo có phương pháp chơi hợp lý cùng công cụ hỗ trợ để người chơi có thể lấy lại số tiền đã mất từ Coolcat. Thậm chí, các thành viên còn cho biết sau khi app Coolcat bị sập, có thể bỏ một số vốn nhỏ hơn để đầu tư vào các app tương tự và sinh lời lớn hơn số tiền đã mất. Đáng lưu ý, những bài viết này được khá nhiều thành viên tương tác, hưởng ứng.
Một nền tảng kiếm tiền khác cũng thu hút người đầu tư, khiến không ít người “vỡ mộng”, có tên Shopping Mail. Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được đơn tố giác của người sử dụng app mua sắm Shopping Mail (http://shop555.cc). Theo phản ánh, người này được bạn giới thiệu app Shopping Mail với điều kiện vào đăng ký tài khoản, rồi nạp tiền tại shop để săn đơn hàng và nhận hoa hồng theo cấp bậc. Cụ thể, cấp 1 nhận 16%; cấp 2 nhận 8%; cấp 3 nhận 4% giá trị đơn hàng nhận được. Nội dung chuyển khoản nộp tiền là ghi số điện thoại đăng ký app. Đến ngày 14/4, nhiều người không thể truy cập trang web http://shop555.cc, toàn bộ số tiền đã nạp bị mất.
Các chiêu thức lừa đảo đầu tư tài chính hiện nay đang nhiều như nấm sau mưa, nhắm đến những người chỉ quan tâm đến lợi nhuận được quảng cáo mà không chịu trang bị kiến thức, thiếu sự cảnh giác. Điều dễ nhận thấy của các sàn lừa đảo này ở nước ta là “bao lỗ, bao cháy tài khoản, cam kết lợi nhuận”... Văn phòng tại Việt Nam của các sàn này thường nằm kín đáo trong các tòa nhà cao tầng, không có biển hiệu, chỉ có vài bộ bàn ghế tạm bợ và có thể biến mất chỉ trong một vài giờ...Thậm chí có sàn còn không có văn phòng đại diện, hoặc các sàn được giới thiệu văn phòng, trụ sở ở nước ngoài nhưng thực chất là không có giấy phép, chỉ là văn phòng ảo.
Lời cảnh tỉnh
Có thể thấy những app này sẵn sàng chi mạnh tay để thuê quảng cáo trên mạng để có nhiều lượt đăng ký, để giới thiệu càng nhiều người tham gia càng tốt cho họ. Khi app hoạt động đến khoảng 6 tháng, kinh phí để duy trì gần như không còn. App sẽ tung ra những chương trình rất hấp dẫn người dùng nạp tiền. Đó là biểu hiện lừa đảo đầu tiên. Sau đó sẽ nâng hạn mức rút tiền của người dùng, thời gian rút sẽ kéo dài rất lâu. Thậm chí là không rút được tiền, cuối cùng app sẽ biến mất không dấu vết cùng với số tiền của các nhà đầu tư.
Đây chỉ là một trong vô số những dấu hiệu lừa đảo của các ứng dụng kiếm tiền online trong thời gian gần đây. Trước đó, cũng từng xuất hiện nhiều app kiếm tiền khác, với những hậu quả tương tự. Dù truyền thông liên tục cảnh báo, thậm chí không ít người nhận thấy được sự rủi ro, nhưng vẫn cố tình tham gia. Thậm chí, nhiều người đã bị thua, mất tiền, còn cố dụ thêm người thân vào để hưởng hoa hồng, gỡ lại chút vốn đầu tư. Hãy dừng lại, vì bỏ tiền vào các sàn này, nhà đầu tư sẽ không được pháp luật bảo vệ khi xảy ra sự cố và nguy cơ trắng tay rất cao.