Hà Nội

Nhiều trường thuộc Đại học Huế mở cửa cho sinh viên tránh bão

27-09-2022 15:50 | Xã hội
google news

SKĐS - Các trường thuộc Đại học Huế tiến hành mở cửa, tạo điều kiện cho sinh viên tránh, trú siêu bão Noru.

Chiều 27/9, trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, PGS. TS Lê Anh Phương - Giám đốc Đại học Huế cho biết, nhằm hỗ trợ cho sinh viên ngoại tỉnh đang theo học ở trọ trên địa bàn, Đại học Huế đã chỉ đạo các trường thành viên dọn dẹp, chuẩn bị cơ sở vật chất và thông báo mở cửa, hỗ trợ sinh viên tránh trú bão Noru.

Theo đó, các đơn vị đào tạo thuộc Đại học Huế như Đại học Sư phạm, Khoa học, Ngoại ngữ, Du lịch tiến hành mở cửa, sử dụng các phòng học, giảng đường để sinh viên tạm trú, tránh bão từ chiều 27/9, đồng thời bố trí lực lượng cán bộ, đoàn viên, tình nguyện viên để hỗ trợ.

Ứng phó siêu bão Noru: Nhiều trường thuộc Đại học Huế mở cửa cho sinh viên tránh trú - Ảnh 1.

Sinh viên di chuyển tới trường đại học để tránh, trú bão.

Các trường thông qua nhiều kênh thông tin kết nối, thông báo đến sinh viên đang ở tại các khu vực phòng trọ, nhà cấp 4 không an toàn, có nguy cơ bị thiệt hại do bão; sinh viên ở vùng thấp trũng đăng ký và di chuyển đến trường tạm trú trước thời gian bão Noru đổ bộ cho đến khi có thông báo bão tan.

"Đại học Huế cũng chỉ đạo các trường phải đảm bảo được việc ăn ở, sinh hoạt cho sinh viên. Đặc biệt, phải bố trí người trực, thường xuyên tương tác, liên hệ với sinh viên để hỗ trợ kịp thời cũng như đảm bảo an toàn cho sinh viên trong những ngày tránh bão", PGS. TS Lê Anh Phương thông tin thêm.

Ứng phó siêu bão Noru: Nhiều trường thuộc Đại học Huế mở cửa cho sinh viên tránh trú - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng hỗ trợ đưa các cụ già tới nơi tránh trú bão.

Ở một diễn biến khác, theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão Noru, từ ngày 27/9 đến hết ngày 28/9 địa phương này sẽ xuất hiện một đợt mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 200-400mm, có nơi trên 400mm.

Mưa với cường độ lớn từ đêm 27/9, tập trung trong khoảng thời gian ngắn nên có nguy cơ cao xảy ra ngập úng đô thị, đặc biệt là những tuyến đường thấp trũng và hệ thống thoát nước chậm ở TP Huế; thị xã Hương Trà; Hương Thủy. Mưa lớn cũng gây lũ, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, các huyện Phong Điền; A Lưới, Nam Đông; Phú Lộc, thị xã Hương Trà.

Trước tình trạng này, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cảnh báo các vị trí có nguy cơ trượt lở đất đá vùng đồi núi, sạt lở bờ sông, bờ biển trong tỉnh.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, tại huyện Phong Điền, nguy cơ sạt lở đất đá xảy ra ở các xã Phong Mỹ, Phong Xuân, Phong Sơn, Phong An, Phong Thu. Đặc biệt, nguy cơ sạt lở đất xảy ra rất cao khu vực đồi núi dọc tuyến đường 71 từ xã Phong Xuân đi đến các công trình hồ thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B2, A Lin B1.

Nhằm đảm bảo an toàn, tránh các thiệt hại về người và tài sản xảy ra, từ 6h ngày 27/9, UBND huyện Phong Điền tổ chức cấm đường đối với tuyến đường 71 tại xã Phong Xuân. UBND huyện Phong Điền giao UBND giao lực lượng chức năng túc trực, kiểm tra và xử lý đúng quy định những hành vi cố tình vi phạm.

Bắc Tây Nguyên tập trung cao độ ứng phó bão Noru

Hai tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên là Gia Lai và Kon Tum đang tập trung cao độ ứng phó với bão Noru. Ngành y tế cũng luôn sẵn sàng cứu chữa bệnh nhân trong các tình huống.

Từ các diễn biến về ảnh hưởng của bão, nước các sông ở Kon Tum khả năng dâng cao, xuất hiện lũ lớn, mưa lớn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất... Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, lãnh đạo tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cơ quan, lực lượng trên địa bàn tập trung ứng phó, không để bị động trước các tình huống.

Ghi nhận đến ngày 27/9, hầu hết các địa bàn ở Kon Tum đã rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để di dời người dân đến nơi an toàn.

Bắc Tây Nguyên tập trung cao độ ứng phó bão Noru - Ảnh 2.

Người dân đã chủ động gia cố, chằng nhà cửa để tránh ảnh hưởng bão Noru.

Tỉnh Kon Tum cũng chỉ đạo sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố khi có ảnh hưởng của bão. Sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du các hồ chứa thủy điện, hồ thủy lợi, bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, chủ động triển khai phòng, chống, ứng phó với mưa bão.

Một số hộ dân ở Sa Thầy (Kon Tum) cho biết, từ xã đến các thôn người dân đã được tuyên truyền nắm bắt đầy đủ các thông tin về tình hình ảnh hưởng của bão Noru. Chính quyền từ các xã đã kiểm tra kỹ các điểm xung yếu. Người dân hoạt động đánh bắt trên các lòng hồ cũng đã được vận động về nhà tránh ảnh hưởng của bão Noru.

Cũng như Sa Thầy, các địa phương khác ở Kon Tum đã chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm, thuốc men dự trữ để kịp thời ứng phó với mưa lũ do ảnh hưởng bão Noru.

Tại tỉnh Gia Lai, ngoài mưa lớn, còn có nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất, sụt lún đất tại một số địa bàn. Vậy nên, chính quyền địa phương đã rà soát kỹ, kiểm tra kỹ càng các xã trọng điểm, các thôn, làng có khả năng ảnh hưởng bão, mưa lũ, có nguy cơ sạt lỡ gây ảnh hưởng thiệt hại về người và tài sản để có phương án bảo vệ, tránh tối đa các ảnh hưởng.

Canh gác nơi ngập sâu, cho học sinh nghỉ học

Tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính.

Các chủ hồ tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du. Đối với các hồ đã đầy nước phải chủ động điều tiết để đảm bảo cao trình mực nước đón lũ theo quy định. Cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định.

Bắc Tây Nguyên tập trung cao độ ứng phó bão Noru - Ảnh 3.

Học sinh ở Kon Tum và Gia Lai được nghỉ học để tránh ảnh hưởng bão Noru.

Theo ghi nhận, tại huyện La Pa và một số địa phương ở Gia Lai, một số khu vực nguy cơ bị ngập, sạt lở… đã bố trí lực lượng túc trực và hướng dẫn đến từng người dân các biện pháp phòng tránh thiệt hại bởi bão Noru.

Để bảo đảm an toàn trước ảnh hưởng của bão Noru, tỉnh Gia Lai chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh cho học sinh, sinh viên nghỉ học kể từ 12h00 ngày 27/9/2022 đến hết ngày 28/9/2022. Ngay sau khi bão lũ tan, khẩn trương vệ sinh trường, lớp học, nhanh chóng ổn định tình hình dạy học, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh khi đến trường trở lại; đồng thời, có kế hoạch phòng chống các dịch bệnh, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. Tỉnh Kon Tum cũng cho học sinh được nghỉ học từ ngày 27/9/2022 đến khi có thông báo mới.

Y tế túc trực ứng phó bão Noru

Đến ngày 27/9, ngành y tế các địa phương Gia Lai, Kon Tum đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống lụt bão. Tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24. Sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân khi cần.

Các trạm y tế kết hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong vùng nguy cơ bị ảnh hưởng mưa lũ và ngập lụt triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bắc Tây Nguyên tập trung cao độ ứng phó bão Noru - Ảnh 4.

Các cơ sở y tế sẵn sàng túc trực ứng phó ảnh hưởng bão Noru.

Cùng với việc chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, nhân lực để cứu chữa người dân bị ảnh hưởng bão thì ngành y tế cũng triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão. Hệ thống cửa và mái tôn được gia cố cẩn thận...

Theo Đài khí tượng thủy văn Kon Tum, từ 27/9 đến ngày 28/9 hoàn lưu bão Noru ảnh hưởng đến tỉnh Kon Tum, gây gió mạnh và mưa to đến rất to trên diện rộng. Các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plong, lượng mưa có khả năng đạt từ 250 - 350 mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; từ đêm ngày 27/9 gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11. Các huyện Sa Thầy, Ia H'Drai, Kon Rẫy, Đăk Tô, Đăk Hà, Ngọc Hồi và TP. Kon Tum, lượng mưa có khả năng đạt từ 100 – 250 mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt; từ sáng sớm ngày 28/9 gió mạnh dần lên cấp 5, sau tăng lên cấp 6-7, giật cấp 8. Cấp độ rủi ro thiên tai do gió bão là cấp 3.
"Chưa bao giờ ghi nhận trận bão nào khủng khiếp như bão số 4"'Chưa bao giờ ghi nhận trận bão nào khủng khiếp như bão số 4'

SKĐS - Với cường độ bão dự báo khi vào đất liền đạt đến cấp 15, bão số 4 sẽ có sức tàn phá khủng khiếp. Chưa bao giờ ngành khí tượng ghi nhận trận bão nào có sức gió lớn đến thế.


Hoàng Dũng - Hà Đạo - L.N
Ý kiến của bạn