Nhiều trường ở Hải Phòng sẽ cho học sinh nghỉ học thứ 7 khi Thông tư 29 có hiệu lực

15-02-2025 08:19 | Thời sự
google news

SKĐS -Trong ngày đầu tiên thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm (14/2), đồng loạt các trường trên địa bàn Hải Phòng đã dừng dạy thêm, một số trường điều chỉnh thời khóa biểu cho học sinh bằng nghỉ học ngày thứ 7.

Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2. Hàng loạt tỉnh, thành cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Nhiều trường ở Hải Phòng sẽ cho học sinh nghỉ học thứ 7 khi Thông tư 29 có hiệu lực- Ảnh 1.

Hải Phòng dừng học thêm trong nhà trường ngay khi Thông tư 29 có hiệu lực.

Nhiều trường xây dựng lịch học mới, cho nghỉ thứ 7

Tại Hải Phòng, từ chiều ngày 13/2, Trường THPT Lê Quý Đôn đã gửi tin nhắn về số điện thoại của phụ huynh việc dừng học thêm trong nhà trường từ ngày 14/2. Theo đó, từ ngày 17/2/2025, nhà trường sẽ có thời khóa biểu mới, trong đó cho học sinh nghỉ học thứ 7 hàng tuần.

Tại quận Hải An, hầu hết các trường THCS đều đã xây dựng lịch học mới, linh hoạt trong sắp xếp các môn học, đảm bảo đúng đủ số tiết, thời lượng học trong tuần.

Tại trường THCS Lê Lợi, THCS Tràng Cát kể từ 17/2, học sinh toàn trường sẽ học theo thời khóa biểu mới; trong đó học sinh các khối được nghỉ học ngày thứ 7.  

Tại trường THCS Đằng Hải (quận Hải An), từ ngày 24/2, nhà trường sẽ áp dụng lịch học mới và cho học sinh nghỉ học ngày thứ 7.

Trước đó, ngày 8/2, nhà trường đã gửi thông báo tới các phụ huynh về kế hoạch dừng dạy thêm trong nhà trường kể từ 14/2 đối với tất cả các khối 6 - 7- 8 -9. Cùng với đó, thông báo nhấn mạnh, giáo viên đang dạy học tại các trường công lập không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công giảng dạy theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Trước thông tin nhà trường sẽ cho học sinh nghỉ thứ 7 khi dừng việc học thêm trong nhà trường, nhiều phụ huynh lo lắng con sa đà vào internet hay giao du bên ngoài, không chịu học. Một số phụ huynh thì đồng tình cách làm này vì có thời gian cho con nghỉ ngơi, đi chơi cuối tuần cùng gia đình...

Nhiều trường ở Hải Phòng sẽ cho học sinh nghỉ học thứ 7 khi Thông tư 29 có hiệu lực- Ảnh 2.

Việc dừng dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo Thông tư 29 khiến đông đảo phụ huynh lo lắng.

Nỗi lo về kinh tế, quản lý con khi phải ra trung tâm học

Một phụ huynh chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống rằng, với quy định thầy cô không dạy thêm học sinh chính khóa của mình có cái hay, cho học sinh được quyền lựa chọn người dạy thêm phù hợp với mình mà không vướng bất cứ trở ngại gì. Tuy nhiên, cũng phải nói, có những cháu đang học lớp thầy cô dạy tốt thì quy định này cũng sẽ vất vả vì phải đi tìm thầy cô khác kèm cặp. 

Phụ huynh này cũng kể về câu chuyện của con họ khi học phải thầy dạy Toán không phù hợp. Suốt 3 tháng vào học, học trên lớp rồi học thêm trong trường..., tình trạng hấp thụ kiến thức vẫn không cải thiện khiến con của họ chán học.  Hiểu con, phụ huynh đã trao đổi với giáo viên chủ nhiệm việc con dừng học thêm. Tuy nhiên, thái độ của giáo viên rất khó chịu, thậm chí còn nói "Cả lớp đều đi học mà" để phụ huynh không thể không đăng ký tiếp cho con học. 

Chị H.V, 48 tuổi có con đang học lớp 9 ở quận H. bày tỏ: "Nếu được chọn, tôi vẫn muốn con được học chính thầy cô của con trên lớp bởi thầy cô mới nắm sát nhất những điểm mạnh, yếu của trò. Chưa kể, học phí ngoài trung tâm bao giờ cũng sẽ cao hơn học thêm trong nhà trường vì trường công được ưu tiên về ngân sách, học phí đóng theo quy định của cơ quan chức năng ban hành. Nếu học ngoài trung tâm, những cháu mà gia đình không có điều kiện về kinh tế khó có cơ hội tiếp cận việc học như các bạn khác".

Phụ huynh V.T, 55 tuổi có con học lớp 10 ở huyện AD cho rằng, với quy định không dạy thêm trong trường sẽ gây thiệt thòi cho những cháu mà gia đình kinh tế còn khó khăn, bởi học ở trung tâm, mức đóng sẽ cao hơn nhiều trong nhà trường. "Chỉ có gia đình nào có điều kiện kinh tế thì mới cho con học thêm ngoài trung tâm được. Còn không, chấp nhận cho con ở nhà. Mà việc học của con trẻ, có phải 10 đứa đều có ý thức cả 10 đâu; có đứa hò mãi còn không vào học, phải đến lớp có thầy cô rèn mới học. Mong nhà chức trách cân nhắc việc cho học thêm trong nhà trường, giúp giảm tải kinh tế và dễ quản lý con", phụ huynh T nói. 

Một phụ huynh trường THCS Trần Phú (quận KA) băn khoăn: "Bây giờ dừng dạy thêm, học thêm trong nhà trường và đưa các cháu ra ngoài các trung tâm học, thực sự rất lo ngại vì giáo viên các trung tâm sẽ không nắm bắt được chất lượng học tập của từng em như giáo viên trên lớp; chưa kể khó quản lý được con như học trong nhà trường".

Xung quanh hoạt động triển khai Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT, chiều 14/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã lập đoàn kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm tại một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Thời gian kiểm tra đến hết năm học 2024-2025 (bao gồm cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngoài giờ hành chính).

Làm sao để Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm "đi vào cuộc sống" một cách hiệu quả?Làm sao để Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm 'đi vào cuộc sống' một cách hiệu quả?

SKĐS - Theo TS. Nguyễn Thị Triều Tiên, Thông tư 29 có mục tiêu tốt đẹp, nhưng để thực hiện thành công, cần có sự điều chỉnh linh hoạt, tránh áp dụng cứng nhắc gây khó khăn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Mời quý vị xem thêm video dưới đây:

Clip Không khí ngày Hội tòng quân ở Hải Dương.


Minh Lý - Phương Thảo
Ý kiến của bạn