Hà Nội

Nhiều trường khổ sở khi bố trí giáo viên dạy tích hợp, Bộ GD&ĐT 'gỡ vướng' thế nào?

08-11-2023 11:01 | Thời sự
google news

SKĐS - Trả lời chất vấn của ĐBQH về việc còn nhiều trường THCS đang vất vả khi phải bố trí 2 đến 3 giáo viên dạy tích hợp nhiều môn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, vấn đề này sẽ được giải quyết từng bước.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 8/11, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đặt câu hỏi: Ngày 29/4/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 732 phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Tuy nhiên, qua giám sát ở địa phương cho thấy còn nhiều trường THCS đang rất vất vả, khổ sở khi phải bố trí 2 đến 3 giáo viên dạy tích hợp nhiều môn Lịch sử, Địa lý và môn Khoa học tự nhiên.

Một trong những nguyên nhân đã được đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra là "Công tác đào tạo giáo viên dạy các môn học tích hợp và môn học mới triển khai còn chậm, tính dự báo và kế hoạch không cao". Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết tại sao việc thực hiện đề án nêu trên còn chậm? Bộ đã và đang thực hiện giải pháp gì để khắc phục và đến khi nào thì khắc phục được tình trạng trên?

Nhiều trường khổ sở khi bố trí giáo viên dạy tích hợp: Bộ GD&ĐT 'gỡ vướng' thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Tuấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, Đề án 732 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2016, là đề án có tính chất khung, định hướng để tăng cường bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; đồng thời phục vụ cho việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nếu không có và không triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, việc bồi dưỡng giáo viên, nâng cao năng lực, đổi mới phương pháp dạy vẫn được tiến hành bình thường.

Trong đề án này, Bộ GD&ĐT có thể tìm ngân sách từ các nguồn để bồi dưỡng giáo viên phục vụ cho đổi mới. Trong đó, các giáo viên ở 3 cấp được tập huấn để có thể thích ứng với các phương pháp giảng dạy mới. Từ khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được ban hành và triển khai, mới có căn cứ cần có giáo viên dạy môn tích hợp. Các trường sư phạm mới có căn cứ để triển khai chương trình đào tạo và tuyển sinh.

"Để đổi mới giáo dục và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, không phải bắt đầu bằng việc tuyển đội ngũ giáo viên hoàn toàn mới. Thay vào đó, cần bắt đầu từ lực lượng cũ, đã và đang được tập huấn, hỗ trợ. Những giáo viên năng động tích cực tham gia tập huấn và tích cực trong thực tế đã thích ứng được với các môn tích hợp", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.

Theo ông Sơn, các trường không nhất thiết phải cùng lúc yêu cầu giáo viên dạy 2 - 3 mạch kiến thức trong môn tích hợp mà phải tùy theo năng lực giáo viên. Từng bước để lực lượng giáo viên thích ứng và không quá áp lực. "Đổi mới là một quá trình, nên cần từng bước để truyền tải Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Lứa sinh viên được đào tạo về dạy học tích hợp sẽ ra trường vào năm 2024. Vấn đề dạy học tích hợp sẽ được giải quyết từng bước".

Nhiều trường khổ sở khi bố trí giáo viên dạy tích hợp: Bộ GD&ĐT 'gỡ vướng' thế nào? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.

Cũng tại phiên chất vấn, liên quan tới vấn đề thiếu giáo viên theo ý kiến của đại biểu Leo Thị Lịch (Thường trực Hội đồng Dân tộc), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết cần giải pháp đồng bộ để giải quyết. Ông thừa nhận, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra nhiều hơn tại khu vực miền núi, vùng sâu và bậc mầm non, tiểu học.

Vừa qua, trên 3.000 điểm trường tại nhiều địa phương vùng sâu được dồn lại nên khắc phục một phần việc thiếu giáo viên. Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp, dồn điểm trường ở những nơi có thể thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị việc cắt giảm 10% biên chế viên chức không nên cào bằng ở các địa phương để đảm bảo đủ giáo viên, bớt khó khăn cho ngành giáo dục. Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng các giải pháp về chuẩn bị nguồn đầu vào để khi cần các khu vực vùng núi, vùng sâu xa có thể tuyển dụng thêm giáo viên.

Dạy học môn tích hợp: Càng gỡ càng rốiDạy học môn tích hợp: Càng gỡ càng rối

SKĐS - Theo nhiều giáo viên, việc Bộ GD&ĐT đưa hướng dẫn gỡ rối dạy học tích hợp cho các trường nhưng thực tế cái gốc của vấn đề vẫn chưa được giải quyết.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn