Nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội để bán hàng lậu, hàng giả

06-01-2022 17:50 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Trong 1 tháng qua, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã phát hiện 115 vụ mua bán hàng hoá nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng. Trong đó, nhiều đối tượng sử dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo thống kê, chỉ trong 1 tháng qua, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Binh đã xử lý 98 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, buộc nộp lại số thu lợi bất hợp pháp, trị giá hàng tịch thu, hàng buộc tiêu hủy hơn 950 triệu đồng.

Đặc biệt, thời điểm trước dịp Tết Nguyên đán, các vụ buôn bán hàng giả cũng sẽ nhiều hơn, những mặt hàng kinh doanh trái phép có xu hướng gia tăng là pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực...

Nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội để bán hàng lậu, hàng giả - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tiêu hủy thực phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Thanh Hiếu

Nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao vào dịp cận Tết, các cơ sở kinh doanh trái phép đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm qua mắt lực lượng chức năng như: Không bày bán hàng cấm công khai trên quầy hàng, cửa hàng mà cất giấu hàng hóa vi phạm tại nơi ở, chia nhỏ hàng hóa để tiêu thụ tại các vùng sâu, vùng xa... 

Cùng với đó, hình thức vận chuyển hàng lậu đa dạng, thủ đoạn tinh vi để trốn tránh công tác kiểm tra. Theo cơ quan quản lý thị trường, ngoài các phương thức vận chuyển thông thường, các đối tượng còn sử dụng xe ô tô, gia cố thêm các khoang chứa hàng khiến công tác kiểm tra ngày càng khó khăn.

Nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội để bán hàng lậu, hàng giả - Ảnh 2.

Thu giữ hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp tại thành phố Đồng Hới. Ảnh: Thanh Hiếu

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cùng sự phát triển của các nền tảng công nghệ số, hiện nay các đối tượng sử dụng cả sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok... để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Võ Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình cho biết: "Có nhiều chế tài, quy định pháp luật đã ban hành tương đối lâu, không còn phù hợp với thời điểm này. Cụ thể là có nhiều chế tài xử lý tương đối nhẹ so với hành vi vi phạm cho nên các đối tượng vẫn sẵn sàng chấp nhận bị phạt nếu bị phát hiện và xử lý. Số tiền phạt nhỏ hơn so với số thu lợi nếu người ta thực hiện thành công hành vi vi phạm pháp luật".

Nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội để bán hàng lậu, hàng giả - Ảnh 3.

Lực lượng chức năng tiêu hủy các loại hàng nhái, hàng giả. Ảnh: Thanh Hiếu

Nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội để bán hàng lậu, hàng giả - Ảnh 4.

Một cửa hàng thời trang tại thành phố Đồng Hới kinh doanh áo quần không rõ nguồn gốc, nhãn mác xuất xứ. Ảnh: Thanh Hiếu

Nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội để bán hàng lậu, hàng giả - Ảnh 5.

Nhiều mặt hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị tịch thu đưa đi tiêu hủy. Ảnh: Thanh Hiếu

Xem thêm video được quan tâm:

Tiêm mũi 3 ngừa COVID-19 sau bao lâu sẽ có hiệu quả? | SKĐS


Dương Tú
Ý kiến của bạn