Hà Nội

Nhiều trường hợp biết tới bệnh thận cũng là lúc phải chạy thận cấp cứu

15-09-2024 17:55 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - PGS.TS.BS Nguyễn Bách cho biết, bệnh thận đang trẻ hoá, nhiều bệnh nhân biết tới bệnh thận cũng là lúc bệnh nhân phải chạy thận cấp cứu.

Ngày 15/9, PGS.TS.BS Nguyễn Bách - Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết, theo số liệu thống kê khám sàng lọc, tỷ lệ người dân có khả năng mắc bệnh lý về thận chiếm khoảng 8,75%. Theo đó, cứ 100 người thì có 6-8 người có bệnh lý về thận không có triệu chứng.

Đặc biệt, phần lớn các bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối ở các nước trên thế giới đều ở độ tuổi 60-65 tuổi trong khi bệnh nhân mắc suy thận giai đoạn cuối ở Việt Nam đang có dấu hiệu trẻ hóa (dưới 60 tuổi).

Cũng theo Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất, bệnh nhân suy thận đang dần trẻ hoá. Nếu nguyên nhân gây suy thận của nhóm tuổi 60-65 là do ảnh hưởng bởi bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp thì nguyên nhân gây suy thận của nhóm tuổi trẻ hơn chủ yếu là các bệnh lý cầu thận.

"Đa số các bệnh lý cầu thận đều không có triệu chứng, thêm vào đó, người dân không có thói quen tầm soát bệnh nên rất nhiều trường hợp bệnh nhân lần đầu tiên biết tới bệnh thận cũng là lần đầu tiên bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo cấp cứu", PGS.TS.BS Nguyễn Bách nói.

Nhiều trường hợp biết tới bệnh thận cũng là lúc phải chạy thận cấp cứu- Ảnh 1.

Bệnh thận tại Việt Nam đang có xu hướng trẻ hoá. Ảnh: P.T.

Chị Vương Thúy Anh (34 tuổi, Quận 12) cho biết: "Tháng trước chồng tôi phát hiện chân tay sưng, hay tiểu đêm, nước tiểu có màu sẫm… sau khi đi khám thì được chẩn đoán mắc suy thận giai đoạn 3. Do vợ chồng tôi có thói quen sinh hoạt giống nhau, thường xuyên nhịn uống nước và ăn mặn nên tôi lo rằng mình có nguy cơ mắc bệnh thận rất cao, vậy nên hôm nay tôi quyết định đi khám sàng lọc để biết được tình trạng sức khỏe của mình".

Theo bác sĩ Bách, trên thực tế, đa phần người dân phát hiện mắc bệnh thận là nhờ các triệu chứng. Tuy nhiên, khi bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng thì đồng nghĩa với việc bệnh đã chuyển nặng. Bệnh viện Thống Nhất đang trong tình trạng quá tải bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, bệnh nhân chạy thận, ghép thận

Hiện nước ta có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.

Theo ông Nguyễn Hữu Tú - Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn tính giúp làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận. Điều trị thay thế thận đem đến lợi ích lâu dài về kinh tế và giảm gánh nặng cho ngành y tế.

Trưởng khoa Nội thận - Lọc máu Bệnh viện Thống Nhất khuyến cáo, bệnh thận, suy thận là bệnh không lây nhiễm và rất nguy hiểm. Tuy nhiên, bệnh có thể được phát hiện sớm thông qua tầm soát. Vậy nên, người dân nên tầm soát bệnh để phát hiện bệnh sớm, tránh dựa vào các dấu hiệu lâm sàng vì khi bệnh nhân đã có các dấu hiệu lâm sàng của bệnh thì đồng nghĩa bệnh đã ở giai đoạn nặng.

Người trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh thận nên người dân tuyệt đối không chủ quan. Để phòng tránh bệnh thận, người dân nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả, thường xuyên tập luyện thể thao và hạn chế ăn muối.

Theo thống kê trên toàn thế giới, tỷ lệ tử vong do thận mạn xếp thứ 12, chiếm 4.6%. Tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số.

Ngày 14-15/9, hơn 1.000 người dân TPHCM được khám sàng lọc bệnh tim mạch, thận mạn, thận chuyển hóa miễn phí tại Bệnh viện Thống Nhất.

Tăng nguy cơ suy thận do khí hậu cực đoanTăng nguy cơ suy thận do khí hậu cực đoan

SKĐS - Ngày 13/9, theo The Guardian, các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiệt độ cực đoan không chỉ gây sốc nhiệt mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim, suy giảm trí nhớ và đặc biệt là suy thận.


Nam Thương
Ý kiến của bạn