Hà Nội

Nhiều trường đại học mở thêm ngành học mới trong năm Quý Mão 2023

22-01-2023 08:58 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhiều trường đại học công bố thông tin tuyển sinh năm nay, trong đó cơ bản giữ ổn định như 2022, mở thêm một số ngành mới và loại bỏ những ngành đào tạo không còn nhu cầu của xã hội và những ngành mới đào tạo thí điểm kém hiệu quả.

Cách nào gỡ khó cho các trường có ngành tuyển sinh kém?Cách nào gỡ khó cho các trường có ngành tuyển sinh kém?

SKĐS - Theo PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, hầu hết ngành tuyển sinh kém là những ngành hẹp, ngành mới đào tạo thí điểm hoặc một số ngành truyền thống nhưng thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Thêm nhiều ngành học mới

Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến sẽ tuyển sinh ngành mới thành lập là Y dược cổ truyền, trước mắt là đào tạo bác sĩ y dược cổ truyền, chính thức nâng số lượng khoa thuộc trường lên 8 khoa.

Năm 2023, Trường Đại học Ngoại thương dự kiến tuyển 4.100 chỉ tiêu, tăng 50 thí sinh so với năm 2022. Trường mở hai ngành mới Kinh tế chính trị và Kinh tế chính trị quốc tế.

Trường Đại học Thủy lợi dự kiến tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy năm 2023. Theo đó, trường dự kiến tuyển sinh 5.500 chỉ tiêu, nhiều hơn 1.500 chỉ tiêu so với năm 2022. Đáng chú ý, năm nay, trường đang xây dựng đề án mở thêm 2 ngành mới là Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.

Hội đồng đại học Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đồng ý chủ trương mở mới nhiều ngành ở bậc đại học như thí điểm ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường đại học Công nghệ thông tin); ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, thí điểm mở ngành Công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường Đại học Khoa học tự nhiên); ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, ngành Thú y (Trường Đại học An Giang); giao nhiệm vụ cho Khoa Y triển khai đào tạo ngành Y học cổ truyền và ngành Điều dưỡng.

Nhiều trường đại học mở thêm ngành học mới trong năm Quý Mão 2023 - Ảnh 2.

Năm 2023, nhiều trường đại học mở thêm ngành đào tạo mới. Ảnh minh hoạ

Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh đang đào tạo 34 ngành bậc đại học. Năm 2023, trường này dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức gồm: Xét tuyển học bạ THPT, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT. Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, trường dự kiến mở thêm 5 ngành đào tạo bậc đại học gồm: Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính, Luật, Thương mại điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.

Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh thông báo bắt đầu tuyển sinh ngành đào tạo Digital Marketing. Chỉ tiêu của ngành này nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của trường (6.610 chỉ tiêu cho 34 ngành đào tạo).

Trường Đại học An Giang công bố quyết định mở và xét tuyển sinh ngành đào tạo trình độ đại học hình thức đào tạo chính quy mới - ngành Thú y. Việc mở ngành này nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tay nghề thành thạo, có sức khoẻ tốt, yêu nghề nghiệp; có khả năng tiếp tục học tập, tham gia học tập ở các bậc học cao hơn trong và ngoài nước.

Loại bỏ những ngành đào tạo không còn nhu cầu của xã hội

Bộ GD&ĐT cho biết, trong mùa tuyển sinh năm 2022, kết quả nhập học của thí sinh chủ yếu ở phương thức xét học bạ (trên 36%) và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT (trên 52%).

Đối với năm 2023, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai các giải pháp liên quan trực tiếp tới công tác tuyển sinh đại học. Cụ thể, ban hành danh mục thống kê ngành thí điểm, lựa chọn chỉ đưa vào những ngành mới tuyển sinh tốt hoặc có dự báo tin cậy về nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai; hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát lại các ngành tuyển sinh, loại bỏ những ngành đào tạo không còn nhu cầu của xã hội và những ngành mới đào tạo thí điểm kém hiệu quả. Giữ ổn định quy chế tuyển sinh, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở đào tạo hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, tăng độ tin cậy của các hình thức đánh giá, xét tuyển và sự công bằng đối với thí sinh.

Theo TS. Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), việc mở các ngành nghề mới là điều tốt nếu các ngành nghề đó đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như năng lực đào tạo của các nhà trường. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự lo ngại việc các trường mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức đào tạo, dẫn tới nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

"Các trường khi muốn mở ngành mới mà trước đây chưa có cần xuất phát từ nhu cầu thực tế và phải thực hiện theo quy trình, cần có sự tính toán, khảo sát, điều tra nhất định về cơ hội việc làm cũng như xu thế, khảo sát các doanh nghiệp hoặc tổ chức sử dụng lao động để biết nhu cầu lao động… Từ đó, chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, phát triển các chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực" - TS. Lê Viết Khuyến cho biết.

Đối với các thí sinh, theo chuyên gia, thí sinh cần có sự cân nhắc, tính toán về cơ hội việc làm trong quá trình lựa chọn ngành nghề, tránh tình trạng thất nghiệp khi ra trường.

Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT trong năm 2022 cho thấy, 4/23 ngành, lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh nhập học thấp nhất: Khoa học tự nhiên, Khoa học sự sống, Nông lâm nghiệp và thủy sản, Dịch vụ xã hội.

Bộ GDĐT lưu ý các trường cần nghiên cứu kỹ nhu cầu của thí sinh và thị trường lao động trước khi mở ngành học. Nhiều trường nếu không nhận biết kịp xu hướng này và điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành đào tạo thì không thu hút được thí sinh vào trường.

Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh các ngành mới.

Tuyển sinh 2023: Xét tuyển học bạ có còn được các trường chú trọng?Tuyển sinh 2023: Xét tuyển học bạ có còn được các trường chú trọng?

SKĐS - Ngay trong những ngày đầu năm 2023, nhiều trường đại học đã đưa ra những thông tin tuyển sinh quan trọng, trong đó phương thức xét học bạ vẫn được ưa chuộng và dành số chỉ tiêu tương đối lớn.



Đỗ Vi
Ý kiến của bạn