Hà Nội

Nhiều trẻ mắc COVID-19 trở lại, bác sĩ khuyến cáo quan trọng

19-04-2023 15:11 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Dịch COVID-19 có dấu hiệu gia tăng những ngày gần đây, riêng ngày 18/4 cả nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất hơn nửa năm qua với 1.522 ca. Tại nhiều trường học cũng xuất hiện trở lại các ca bệnh COVID-19 khiến thầy cô và phụ huynh lo lắng.

TS.BS Nguyễn Thành Nam – Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai chia sẻ những thông tin tư vấn hữu ích về cách chăm sóc trẻ mắc COVID-19 để nhanh hồi phục, dấu hiệu cần đưa con đi khám ngay và biện pháp phòng ngừa cần áp dụng trong giai đoạn dịch hiện nay.

Những yếu tố nguy cơ làm bệnh COVID-19 nặng hơn ở trẻ em

COVID-19 lây qua đường hô hấp như chất tiết đường hô hấp, giọt bắn từ đường hô hấp.

Bệnh thường nặng hơn ở những đối tượng trẻ như sau:

  • Trẻ có bệnh mạn tính
  • Trẻ béo phì
  • Trẻ sử dụng thuốc ảnh hưởng hệ miễn dịch
  • Trẻ có bệnh hệ thống huyết học
  • Trẻ chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19

Đặc điểm biểu hiện bệnh COVID-19 ở trẻ

Biểu hiện bệnh COVID-19 ở trẻ em với các mức độ khác nhau, đa dạng, có thể giống triệu chứng bệnh khác (viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm dạ dày ruột...)

Các triệu chứng có thể gặp:

  • Sốt
  • Ho
  • Hụt hơi
  • Đau cơ
  • Sổ mũi
  • Đau họng
  • Đau đầu
  • Buồn nôn, nôn
  • Đau bụng
  • Ỉa lỏng
  • Mất khứu giác hoặc vị giác (trẻ nhỏ có thể biểu hiện như là không thích hoặc từ chối thức ăn).

Chăm sóc trẻ nhiễm COVID 19

- Trẻ mắc bệnh nên được ở khu vực riêng, không khí thoáng, nhiệt độ môi trường mát.

- Tiếp xúc trẻ nên sử dụng khẩu trang.

- Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, bổ sung hoa quả, tăng cường uống nước.

- Trẻ sốt: Cha mẹ dùng thuốc Paracetamol 10-15mg/kg/lần khi sốt > 38,5oC hoặc khi đau rát họng nhiều, đau đầu; sau 4-6h sốt cao uống tiếp, ngày không quá 4 lần.

- Ngạt tắc mũi: Phụ huynh có thể vệ sinh mũi bằng dung dịch Natri Clorid 0,9%; ngạt mũi nhiều dùng Xylometazolin 0,05%.

- Ho: Có thể sử dụng thuốc thảo dược.

- Nếu trẻ có ỉa chảy, nôn: Sử dụng bù nước điện giải bằng dung dịch Oresol (chú ý pha đúng theo hướng dẫn).

- Người chăm sóc trẻ cần chú ý theo dõi các bệnh mạn tính (nếu có). Liên lạc với bác sĩ theo dõi để cập nhật diễn biến tình trạng sức khỏe trẻ, xử lý kịp thời.

Nhiều trẻ mắc COVID-19 trở lại, bác sĩ khuyến cáo quan trọng - Ảnh 3.

Trẻ mắc COVID-19 đang có xu hướng gia tăng trở lại, cha mẹ cần hết sức cảnh giác. Ảnh minh họa.

Các dấu hiệu cần đưa trẻ đến khám tại bệnh viện

- Trẻ khó thở: Thở nhanh, thở ậm ạch, quấy khóc liên tục

  • ≤ 2tháng: ≥60 lần/phút
  • 2-12 tháng: ≥50 lần/phút,
  • > 1 tuổi -5 tuổi: ≥40 lần/phút)

- Trẻ nôn, ỉa lỏng nhiều: tiểu ít, sẫm màu; mệt lả; mắt trũng.

- Trẻ đau đầu nhiều, uống Paracetamol thuyên giảm ít

Phòng ngừa mắc COVID-19 ở trẻ
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc người mắc hoặc có triệu chứng đường hô hấp
  • Sử dụng khẩu trang nơi công cộng, đông người
  • Tăng cường vận động ngoài môi trường thoáng, ngoài trời
  • Nhà ở của trẻ cần có thông khí tốt
  • Đảm bảo vệ sinh cho trẻ, hướng dẫn trẻ vệ sinh bàn tay sạch sẽ thường xuyên
  • Tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp đủ nước
  • Tiêm vaccine phòng bệnh COVID-19
Nhiều trẻ mắc COVID-19 trở lại, bác sĩ khuyến cáo quan trọng - Ảnh 4.

Ngứa mắt và đau mắt đỏ có thể là triệu chứng mới của COVID-19Ngứa mắt và đau mắt đỏ có thể là triệu chứng mới của COVID-19

SKĐS - Các chuyên gia đang chứng kiến một triệu chứng mới xuất hiện từ biến thể phụ COVID-19 mới nhất, đó là ngứa mắt và đau mắt đỏ (viêm kết mạc)…


TS.BS Nguyễn Thành Nam
Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai
Ý kiến của bạn