Hãng tin AP dẫn lời chuyên gia cho rằng ở những khu vực người dân có thu nhập thấp, tình hình khủng hoảng rất nghiêm trọng và thậm chí càng tồi tệ hơn vì các trường học thiếu giáo viên và các chuyên gia tư vấn tâm lý để có thể hỗ trợ kịp thời cho các em.
Tình trạng trẻ em Mỹ mắc chứng lo âu, trầm cảm đã gia tăng từ vài năm nay nhưng những căng thẳng, bất an trong suốt thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành đã khiến tình hình thêm trầm trọng.
Đặc biệt, khủng hoảng sức khỏe tâm thần xảy ra với những em vốn đã có tâm lý thiếu ổn định lại bị mất hẳn cơ hội nói chuyện, trao đổi với các chuyên gia tâm lý và không được tham gia các hoạt động ở trường để cân bằng lại tâm lý trong thời gian học trực tuyến gần hai năm qua.
Đối với những trẻ em sống trong các gia đình có vấn đề như bố mẹ nghiện rượu hay có tính bạo lực, thì việc phải ở nhà học trực tuyến đã khiến các em dường như không có lối thoát. Những em không có điều kiện kết nối Internet thậm chí còn cảm thấy bị cô lập, lạc lõng, bị bỏ rơi hơn nữa.
Số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, đầu năm 2021, số ca trẻ em gái phải cấp cứu vì các vấn đề tâm lý, thậm chí tìm đến tự tử, tăng 51%, trong khi số ca trẻ em trai tăng 4% so với 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Tình trạng trẻ em nhập viện vì rối loạn ăn uống, lo âu, căng thẳng cũng tăng gấp đôi trong cùng thời gian này.
Theo CDC Mỹ, hiện nước này chưa có một hệ thống giám sát toàn diện và riêng biệt về vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em cho nên các gia đình chính là nơi tốt nhất để quan sát, chăm sóc và hỗ trợ trẻ em khi các con gặp phải các vấn đề về tâm lý, tâm thần sau đại dịch trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy như hiện nay.
Hướng dẫn phòng chống COVID-19 tại trường học, khu công nghiệp, nơi làm việc