Hà Nội

Nhiều trẻ bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc

17-12-2014 16:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Thuốc cam từ xưa đã được các bà các mẹ rỉ tai nhau là thứ thuốc bổ, giúp con hết biếng ăn, ăn tốt, mau tăng cân.

Thuốc cam từ xưa đã được các bà các mẹ rỉ tai nhau là thứ thuốc bổ, giúp con hết biếng ăn, ăn tốt, mau tăng cân. Thậm chí ở một số vùng nông thôn, thuốc cam còn được quảng cáo như một loại “thuốc tiên” có thể chữa được bách bệnh cho trẻ em. Nghe theo những lời truyền miệng, nhiều bà mẹ đã mua thuốc về cho con sử dụng. Lợi đâu chưa thấy, chỉ thấy đã có rất nhiều trẻ phải nhập viện cấp cứu do ngộ độc chì có trong thuốc cam.

Một mẫu thuốc cam chứa chì gây ngộ độc.

Nhiều trẻ phải nhập viện

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ năm 2012 đến 2014, số trẻ ngộ độc liên tục tăng từ 63.008 trẻ (năm 2012) lên 207.032 (năm 2014). Ngộ độc chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi (chiếm 70%). Đặc biệt, trong 2 tháng gần đây, bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều trẻ bị nhiễm độc chì do dùng thuốc cam.

Gần đây nhất, ngày 24/11/2014, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bé T.N.V. ở Quốc Oai, Hà Nội nhập viện trong tình trạng co giật toàn thân rồi rơi vào trạng thái li bì, tím tái. Được biết, trước đó 1 tháng, do sốt ruột vì con biếng ăn, chậm lớn, mẹ bé đã mua 1 lạng thuốc cam pha với nước cơm cho con uống liên tục trong vòng 1 tháng. Đến ngày 24/11, thấy bé co giật nửa người trái kèm theo mệt mỏi, bỏ bú, gia đình đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Qua thăm khám, quan sát biểu hiện của bệnh nhân kết hợp hỏi bệnh sử, các bác sĩ nghi ngờ cháu bé nhiễm độc chì và cho làm xét nghiệm định lượng chì trong máu. Kết quả cho thấy bé V. bị nhiễm độc chì rất nặng.

Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), tính từ năm 2013 đến nay, số bệnh nhân đến khám ngộ độc chì ở mức báo động. Trong số 797 bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc chì đến khám, có 179 trẻ em có hàm lượng chì trong máu cao hơn mức cho phép (lớn hơn10mcg/dl). Trong khi đó,  tiêu chuẩn chung thế giới đưa ra là dưới 10mcg/dl, thậm chí khuyến cáo sẽ giảm xuống dưới 5mcg/dl. Nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng thuốc nam của các ông lang, bà mế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có giấy phép kinh doanh... Qua xét nghiệm một số mẫu thuốc cam do bệnh nhân mang đến, có mẫu thuốc chứa tới 80% hàm lượng là chì, các mẫu còn lại trung bình từ 20 - 30% là chì.

Ảnh hưởng đến thể chất và trí não

Chì là một chất rất độc hại cho sức khỏe gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, huyết học, dạ dày, đường ruột, tim mạch và thận. Khi xâm nhập cơ thể, kim loại này tích lũy lâu trong nội tạng (đặc biệt là xương) và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em ngộ độc chì như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, sử dụng đồ chơi có sơn chì, đạn chì.

Các loại thuốc Nam được dân gian gọi là thuốc cam, dùng để bôi, uống cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều trường hợp ngộ độc. Tuy nhiên, phần lớn trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, chính vì điều này nên nhiều gia đình thường chủ quan khi cho trẻ sử dụng thuốc.

Điều trị ngộ độc chì ở trẻ nhỏ rất khó khăn. Cơ thể các cháu thường rất yếu, liều lượng thuốc thải độc phải tăng giảm tùy theo phác đồ điều trị. Chính vì vậy điều trị ngộ độc chì thường mất rất nhiều thời gian và chia thành nhiều đợt.

Điều trị cho trẻ bị ngộ độc chì do dùng thuốc không rõ nguồn gốc tại Bệnh viện Nhi Trung ương.  Ảnh: Nam Phương

Nhiều nghiên cứu cho thấy có mối liên quan tỷ lệ nghịch giữa chỉ số IQ của trẻ em và nồng độ chì máu, kể cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL. Với chứng bệnh tăng vận động và giảm tập trung, ngay cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL, trẻ có chì máu càng cao thì càng dễ mắc chứng bệnh này. Ngộ độc chì ở trẻ em đặc biệt được quan tâm ở các nước phát triển vì lo ngại về ảnh hưởng của chì lên phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.

Để phòng ngộ độc chì ở trẻ nhỏ, các gia đình không nên tự ý mua và sử dụng các loại thuốc cam không rõ nguồn gốc để uống, bôi cho trẻ. Nếu muốn sử dụng, nên tìm đến các hiệu thuốc có đăng ký rõ ràng hoặc sử dụng những bài thuốc đã được cấp phép. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ như rửa tay, cắt móng tay, hướng dẫn trẻ không đưa tay và đồ chơi lên miệng. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc có thể nhiễm kim loại nặng và chì.

Bác sĩ Duy Cường

 

Biểu hiện ngộ độc chì ở trẻ

Phần lớn trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh rất kín đáo, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng (ví dụ khám chuyên khoa tâm thần và đánh giá bằng thang điểm đánh giá phát triển tinh thần) và xét nghiệm.

Biểu hiện rõ:

Về thần kinh: hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm  từng lúc, liệt, thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp, mất đi các kỹ năng học được, học kém, chậm phát triển tinh thần. Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật) thì 25 - 30% số trẻ này có di chứng (chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù, liệt) vĩnh viễn.

Về tiêu hóa: Nôn, đau bụng, chán ăn

Về máu: Gây thiếu máu

 

 

 


Ý kiến của bạn