Nhiều trẻ bị bội nhiễm, ngưng thở vì bị ho gà

21-08-2015 07:56 | Thời sự

SKĐS - Dù không phảu cao điểm nhưng số trẻ mắc ho gà thời gian này tăng đột biến. Các chuyên gia cho rằng do tâm lý nhiều trẻ mắc bệnh do cha mẹ lo ngại sử dụng vắc xin Quinvaxem và chờ vắc xin dịch vụ đang khan hiếm nên bỏ lỡ lịch tiêm chủng của trẻ.

 

Cao điểm của bệnh ho gà là vào mùa Đông Xuân, nhưng năm nay dịch bệnh này diễn biến phức tạp, đến nay, số bệnh nhi bị ho gà nhập viện vẫn liên tục tăng với biến chứng phổ biến nhất là viêm phổi. Đáng lo ngại là có nhiều trẻ dưới 2 tháng tuổi, tức là chưa đến tuổi tiêm phòng đã mắc bệnh.

Mời các bạn nghe ý kiến của BS Nguyễn Văn Lâm tại đây:

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị cho gần 300 trường hợp, chủ yếu là trẻ dưới 6 tháng tuổi bị mắc bệnh ho gà, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong 2 tuần qua, mỗi tuần, bệnh viện tiếp nhận gần 10 bệnh nhi mắc bệnh này, tăng hơn 2 lần so với thời điểm trước đó. Trẻ mắc bệnh phần lớn là dưới 2 tháng tuổi, tức là chưa đến tuổi tiêm phòng, hoặc tiêm không đầy đủ 3 mũi vắc xin. Chị Dương Thu Thanh ở quận Lê Chân, Hải Phòng có con điều trị bệnh ho gà tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Con chị chưa được tiêm phòng mũi nào, vì cứ đến đợt tiêm phòng thì cháu bị ốm, sốt. Cháu điều trị ở đây 8 ngày rồi, chưa kể 15 ngày điều trị ở phòng khám tư ở Hải Phòng với chẩn đoán viêm phế quản.

Tuy nhiên, cũng có trẻ đã tiêm phòng đầy đủ 3 mũi vắc xin nhưng vẫn mắc bệnh ho gà. Theo các chuyên gia y tế, điều này hoàn toàn bình thường, vì tỷ lệ phòng bệnh của vắc xin đạt khoảng 90%.

BS Nguyễn Văn Lâm, trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trước đây, ho gà chỉ tập trung ở mùa Đông Xuân nhưng năm nay kéo dài chưa từng thấy. Bệnh nhi nhập viện chủ yếu sống tại Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng... Lý giải về việc trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng đã mắc ho gà, BS Nguyễn Văn Lâm cho hay, nếu các bà mẹ được tiêm phòng vắc xin ho gà sẽ có kháng thể truyền cho con. Tuy nhiên, hiện nay, do thói quen của nhiều bà mẹ cho con ăn sữa ngoài và không cho con bú sữa mẹ nên không thể truyền kháng thể phòng bệnh cho con. Hoặc trước đây, nếu bà mẹ chưa được tiêm phòng ho gà thì con không có kháng thể là điều đương nhiên.

Theo BS Lâm, ở lứa tuổi nhỏ, trẻ mắc ho gà rất dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác nếu bác sĩ không chứng kiến được cơn ho. Chưa kể, nhiều ông bố bà mẹ có thói quen cứ thấy ho, sốt là tự ý mua kháng sinh, khi không đỡ mới đến gặp bác sĩ, khiến triệu chứng bị thuyên giảm, chẩn đoán khó khăn.

Các bác sĩ đang thăm khám cho trẻ mắc ho gà
Các bác sĩ đang thăm khám cho trẻ mắc ho gà

Vì vậy khi trẻ có biểu hiện ho cơn, ho sặc sụa tím tái, xuất tiết đờm dãi, nôn chớ dữ dội nhưng sau ho trẻ gần như trở lại bình thường thì cần nghĩ ngay đến ho gà.

Còn việc đánh giá trẻ mắc ho gà nặng hay nhẹ phụ thuộc rất nhiều vào cơn ho, mức độ tím, tần suất các cơn ho. Ngoài ra có thể đánh giá dựa trên xét nghiệm máu, đặc biệt công thức máu xem chỉ số bạch cầu. Nếu lượng bạch cầu cao đột biến trên 5.000 thì biểu hiện trẻ rất nặng.

Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, số trẻ mắc bệnh ho gà mấy tuần gần đây cũng tăng đột biến. Tuần qua ghi nhận số bệnh nhi nhập viện cao nhất với 8 trường hợp. Nhiều trẻ mắc bệnh do cha mẹ lo ngại sử dụng vắc xin Quinvaxem và chờ vắc xin dịch vụ đang khan hiếm nên bỏ lỡ lịch tiêm chủng của trẻ. TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo các bậc cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch. Hiện nay, vắc xin Quinvaxem phòng 5 bệnh trong đó có ho gà, mũi 1 tiêm lúc trẻ 2 tháng tuổi, mũi 2 lúc 3 tháng tuổi và mũi 3 lúc 4 tháng tuổi. Với ho gà, trẻ càng nhỏ, nguy cơ mắc bệnh càng cao.

Tại các bệnh viện lớn, năm nay, dù chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do ho gà nhưng ghi nhận nhiều trẻ bị bội nhiễm viêm phổi, nhiều bệnh nhi có lúc ngừng thở vì những cơn ho dữ dội, kéo dài. Trẻ mắc ho gà rất dễ bị chẩn đoán nhầm sang bệnh khác nên thời gian điều trị khá lâu, nhiều trường hợp phải nằm viện hàng tháng. Khi trẻ có biểu hiện ho theo cơn, ho sặc sụa tím tái, xuất tiết đờm dãi, nôn trớ dữ dội nhưng sau cơn ho trẻ gần như trở lại bình thường thì cần nghĩ ngay đến bệnh ho gà, đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời

Nguyễn Hoàng

 

 

 


Ý kiến của bạn