Hà Nội

Nhiều tỉnh, thành liên tiếp thu giữ số lượng lớn bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ

25-09-2023 17:15 | Thị trường
google news

SKĐS - Dịp cận Tết Trung thu, các vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh bánh trung thu có xu hướng tăng lên, trong đó nhiều sản phẩm bị phát hiện không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng… tiềm ẩn nguy hại tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Ngày 25/9, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2023 để ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm, lực lượng QLTT tại nhiều tỉnh, thành đã phát hiện, thu giữ số lượng lớn bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo đó, ngày 21/9, Đội Quản lý thị trường số 5 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã kiểm tra và phát hiện lô hàng bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 38 triệu đồng.

Nhiều tỉnh, thành liên tiếp thu giữ số lượng lớn bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ - Ảnh 1.

Lực lượng chưc năng tỉnh Lào Cai xử lý hàng hóa vi phạm.

Trước đó, ngày 21/9, tại khu vực đường Hoàng Quy, tổ 26, phường Bắc Cường, TP. Lào Cai,  Đội QLTT số 5 phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường - Công an tỉnh Lào Cai phát hiện lô hàng gồm 5 thùng cát tông bên trong chứa thực phẩm bao gói sẵn có dấu hiệu là hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Kết quả khám phát hiện tang vật vi phạm hành chính là thực phẩm bao gói sẵn không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm: Bánh Trung thu 1.300 cái; Bánh Mỳ vị trái cây 1.600 cái; Miến hộp ăn liền 240 hộp.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ sở hữu của hàng hóa là ông Toản, (trú tại Tổ 9, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai)  không xuất trình được hóa đơn chứng từ, giấy tờ, tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá. Đội QLTT số 5 đã lập hồ sơ xử lý và tạm giữ hàng hoá để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhiều tỉnh, thành liên tiếp thu giữ số lượng lớn bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ - Ảnh 2.

Lực lượng QLTT tỉnh Hải Dương xử phạt, buộc tiêu hủy 1.300 bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngày 25/9, Đội QLTT số 1 Cục Quản lý thị trường tỉnh Hải Dương vừa xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 15,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy 1.300 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Số bánh trung thu trên bị lực lượng chức năng gồm Đội QLTT số 1 phối hợp với Đội 4 Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hải Dương phát hiện, thu giữ qua tổ chức kiểm tra đột xuất tại cơ sở kinh doanh bánh kẹo do bà Nguyễn Thị Minh Thu làm chủ (địa chỉ tại số 53 đường Quang Liệt, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương). 

Cũng trong ngày 25/9, Đội QLTT số 22, Cục QLTT TP. Hà Nội vừa phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, quận Bắc Từ Liêm phát hiện, tạm giữ 1.800 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại sảnh phía trước số nhà 33 (tòa nhà Intracom) đường Cầu Diễn, phường Phúc Diễn, Hà Nội. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhiều tỉnh, thành liên tiếp thu giữ số lượng lớn bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ - Ảnh 3.

Lực lượng QLTT Hà Nội tạm giữ 1.800 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo cơ quan chức năng, càng gần Tết Trung thu, nhu cầu sử dụng các loại bánh, kẹo, nhất là bánh trung thu của người dân càng tăng cao. Chính vì vậy, nhiều đối tượng đã tìm mua các loại bánh "trôi nổi" trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ về bán kiếm lời. Những sản phẩm nêu trên không được kiểm soát chất lượng, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trước đó, ngày 24/8, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Công văn gửi Cục QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu năm 2023 và kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa đến hết năm 2023.

Theo đó, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu về nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm. 

Trong dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra xác cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng bán bánh Trung thu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.

Xem thêm video được quan tâm:

Uống trà khi ăn bánh trung thu có ích lợi gì? | SKĐS


Minh Ngọc
Ý kiến của bạn