Tại Sơn La, thống kê từ trung tuần tháng 4 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 49 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 120 ha rừng.
Hiện có 5 huyện, thành phố, bao gồm Sốp Cộp, Vân Hồ, Sông Mã, Phù Yên và TP Sơn La cấp độ cảnh báo cháy rừng đang ở mức nguy hiểm và mức cực kỳ nguy hiểm. Các địa phương khác như Mường La, Thuận Châu… nhiều cánh rừng cũng ở mức nguy cơ cháy cao.
Ghi nhận ở Lào Cai, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 11 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại 40,75 ha (16,92 ha rừng tự nhiên, chủ yếu là rừng tái sinh phục hồi và 23,83 ha rừng trồng); 17 điểm cháy cỏ tranh, cây bụi, có nguy cơ gây cháy lan vào rừng.
Lực lượng chức năng đã huy động tham gia chữa cháy lên đến gần 3.000 lượt người.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, tình trạng nắng nóng kéo dài thời gian qua cộng với thời tiết khô hanh, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao.
Theo dự báo ngày 26 và 27/5, tại các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, TP Điện Biên Phủ và khu vực các huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở cấp độ IV (cấp nguy hiểm).
Riêng ngày 28/5, cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở cấp độ V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Trước tình hình trên, các lực lượng chức năng và các ngành, địa phương cùng các chủ rừng đang tăng cường lực lượng bám nắm địa bàn, thường xuyên tuần tra, kiểm tra tại các khu vực có nguy cơ cháy cao, các khu vực đông người qua lại; sẵn sàng phương châm "bốn tại chỗ" khi có cháy rừng xảy ra, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Đồng thời chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức khi sử dụng lửa, nhất là việc đốt thực bì, đốt ong trong rừng hoặc ven rừng. Đồng thời, phát dọn đường băng cản lửa ở các khu vực rừng dễ cháy, có nguy cơ cháy cao và tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.