Khẩn trương dập ổ dịch sốt xuất huyết
Nhiều năm nay, Bình Định và Khánh Hòa là hai địa phương có bệnh sốt xuất huyết lưu hành, số ca mắc mới liên tục được ghi nhận. Bên cạnh các yếu tố khách quan thì một số người dân nơi đây vẫn còn tâm lý chủ quan.
Theo Sở Y tế Bình Định, từ đầu năm đến ngày 06/6 ghi nhận 1.359 ca bệnh sốt xuất huyết. Số bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bình Định tập trung nhiều ở TP. Quy Nhơn; các huyện Phù Mỹ; Tuy Phước, thị xã An Nhơn…
Trước tình hình dịch bệnh, ngành y tế Bình Định đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bình Định, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tăng cường các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh sốt xuất huyết. Phối hợp với các xã, phường xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện.
Tại Khánh Hòa, từ đầu năm đến chiều ngày 14/6 cũng đã ghi nhận 1.554 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 ca tử vong (ở Ninh Hòa). Bệnh nhân sốt xuất huyết trên địa bàn Khánh Hòa tập trung chủ yếu ở Ninh Hòa; Nha Trang; Diên Khánh; Vạn Ninh…Đặc biệt, tại nhiều khu vực dân cư không chú trọng công tác vệ sinh, diệt lăng quăng, bọ gậy thường xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết.
Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết, sốt xuất huyết có nguồn lây từ muỗi vằn, những nơi xuất hiện muỗi vằn đều có nguy cơ có người mắc bệnh sốt xuất huyết. Tại Khánh Hòa, nhân viên y tế dự phòng đã phối hợp với trung tâm y tế các địa phương điều tra, giám sát chặt chẽ chỉ số lăng quăng, đánh giá hiệu quả công tác xử lý dịch bệnh sốt xuất huyết. Ở đâu xuất hiện ổ dịch là sẽ tiến hành phun khử khuẩn, dập dịch trong vòng khoảng 48 tiếng. Đồng thời hướng dẫn người dân phát quang bụi rậm, ngủ màn, vệ sinh bể nước, các vật dụng có thể phát sinh lăng quăng. Cùng với đó, các cơ sở điều trị chuẩn bị đầy đủ thuốc men, nước truyền để đáp ứng điều trị ngay cho các bệnh nhân sốt xuất huyết.
Phụ huynh dạy con cách diệt muỗi để phòng sốt xuất huyết
Trước tình hình gia tăng ca mắc sốt xuất huyết, lại đang trong thời điểm nghỉ hè, ngành y tế các địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) đến từng khu phố.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn – phó GĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa khuyến cáo, người dân không nên chủ quan với việc phòng bệnh sốt xuất huyết. Thời điểm trong năm học, ngành y tế vẫn phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tổ chức truyền thông tại trường học về các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, trọng điểm là cách tiêu diệt muỗi, lăng quăng. Bởi thực tế "không có lăng quăng, không muỗi vằn sẽ không có sốt xuất huyết". Bây giờ đang nghỉ hè thì các bậc phụ huynh cần dạy con cách diệt muỗi, bọ gậy, cách loại trừ các dụng cụ, không gian trú ngụ, phát sinh muỗi, bọ gậy, cách cắt tỉa bụi cây rậm quanh nhà, thay nước trong các lọ hoa…
Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết như đau đầu, đau mỏi người, sốt, sốt phát ban…thì đến cơ sở y tế ngay để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh để nặng gây biến chứng nguy hiểm.