Theo thống kê, đến ngày 3/3, toàn tỉnh Lào Cai ghi nhận 34.651 ca mắc COVID-19, trong đó 20.349 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại nhà. Để quản lý, theo dõi diễn biến sức khỏe của người bệnh, cán bộ y tế không cần đến trực tiếp nhà người bệnh, mà chỉ cần theo dõi qua hệ thống kết nối thông tin chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà.
Theo bác sĩ Vũ Ngọc Công - Phó Trạm trưởng Trạm Y tế phường Kim Tân, TP. Lào Cai, trên địa bàn đang quản lý trên 300 bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà. Trước đây, để quản lý, theo dõi diễn biến tình trạng người bệnh, cán bộ y tế của Trạm phải trực tiếp xuống tận nhà bệnh nhân. Trong điều kiện nguồn nhân lực của các trạm y tế còn hạn chế, số lượng bệnh nhân đông, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Đó là chưa kể khi cán bộ y tế tiếp xúc trực tiếp người bệnh nguy cơ lây nhiễm rất cao…
Từ khi áp dụng hệ thống kết nối thông tin chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà, cán bộ y tế của Trạm không còn phải đến nhà bệnh nhân để kiểm tra như trước. Thay vào đó, trên hệ thống phần mềm sẽ báo tình trạng bệnh nhân, khi có bệnh nhân cần hỗ trợ, ngay lập tức sẽ có cán bộ y tế đến kịp thời.
"Hàng ngày chúng tôi sẽ kiểm tra trên hệ thống phần mềm và được sự cảnh báo đối với tất cả các bệnh nhân đã thực hiện khai báo. Nếu mức độ an toàn thì sẽ báo xanh, còn nếu báo vàng hoặc đỏ là cần thiết phải có chăm sóc của cán bộ y tế", bác sĩ Công giải thích.
Với mục tiêu giúp chính quyền các cấp có thêm giải pháp công nghệ số để quản lý, điều hành trong công tác phòng, chống dịch, tỉnh Lào Cai đã triển khai Hệ thống kết nối thông tin chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà. Hệ thống được truy cập tại địa chỉ: "https://chamsocsuckhoe.laocai.gov.vn". Thông qua hệ thống này, cán bộ quản lý, y tá, bác sĩ theo dõi, điều trị các bệnh nhân Covid-19, có thể xây dựng bảng kiểm tra sức khỏe của F0 hằng ngày; cập nhật, nhập dữ liệu tự động để cán bộ y tế nắm được số lượng, tình trạng của F0 và phân tầng điều trị.
Tuy nhiên, với phần mềm này, đòi hỏi người bệnh phải thường xuyên khai báo, cập nhật thông tin về tình hình diễn biến sức khỏe của mình một cách trung thực nhất. Có như vậy, thì cán bộ y tế mới có được thông tin chính xác và có hướng điều trị khi người bệnh có diễn biến bệnh chuyển nặng.
"Với phần mềm này, không chỉ cán bộ y tế theo dõi trực tiếp nắm được thông tin, mà Trung tâm Y tế thành phố rồi Sở Y tế cũng nắm bắt và quản lý được", bác sĩ Trần Thị Thu - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Lào Cai cho biết thêm.
Cùng với việc áp dụng công nghệ số để chăm sóc F0 tại nhà, tỉnh Lào Cai cũng thành lập các trạm y tế lưu động tại tất cả các địa phương trong tỉnh. Qua đó, góp phần giúp cán bộ y tế quản lý người bệnh được sát sao hơn, bảo đảm hiệu quả trong quá trình điều trị.
Tại Yên Bái, Sở Y tế vừa xây dựng và triển khai thí điểm "Hệ thống theo dõi, chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà phục vụ công tác quản lý, theo dõi, chăm sóc và điều trị F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ".
Tại địa chỉ https://chamsocsuckhoe.yenbai.gov.vn, sau khi đăng ký thông tin và được tiếp nhận, người dân thực hiện đăng nhập và khai báo tình trạng sức khỏe bằng cách trả lời 6 câu hỏi trước 10h sáng mỗi ngày hoặc khi có bất kỳ thông tin, dấu hiệu bất thường về sức khỏe, để đội ngũ y tế kịp thời tiếp cận và hỗ trợ.
Ngoài ra hệ thống còn cung cấp một số tính năng, tiện ích như: xem lịch sử diễn biến sức khỏe; xem các tài liệu hướng dẫn, chăm sóc sức khỏe của ngành y tế...
Việc triển khai thí điểm hệ thống theo dõi, chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà tại Yên Bái có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh số F0 trên địa bàn tăng nhanh những ngày gần đây. Tính đến sáng 3/3, địa phương này ghi nhận 25.783 ca mắc COVID-19.
Trong khi đó, tại Sơn La hiện đang có 22.532 bệnh nhân đang điều trị tại nhà. Căn cứ quy định của Bộ Y tế về chương trình can thiệp cộng đồng có kiểm soát, Sở Y tế đã thành lập Nhóm nghiên cứu triển khai chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát cho người mắc COVID-19 tại tỉnh Sơn La đồng thời ban hành Quy trình triển khai Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát trong điều trị các trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Y tế triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng để đáp ứng công tác điều trị F0 trên địa bàn tỉnh Sơn La. Các trạm y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.
Hiện Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng ở Sơn La có 1.577 tổ với 7.054 thành viên. Sở Y tế tỉnh Sơn La yêu cầu các tổ tư vấn hỗ trợ, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 phân công nhiệm vụ cụ thể, không để xảy ra tình trạng bệnh nhân không liên hệ được với cơ sở y tế.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Căn cứ cấp độ dịch để mở lại các hoạt động du lịch địa phương