Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 6 giờ qua (từ 3 giờ đến 9 giờ ngày 27/3), tại khu vực các tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Cao Bằng đã có mưa vừa, mưa to như: Nàn Sán 66 mm; Thuận Hòa 62,4 mm (Hà Giang)…
Cảnh báo mưa trong thời gian tiếp theo, trong 3- 6 giờ tới, khu vực các tỉnh Lào Cai, Hà Giang và Cao Bằng tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 70mm. Trong 6 giờ tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện:
Hà Giang: Vị Xuyên, Quang Bình, Thành phố Hà Giang, Yên Minh, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Mèo Vạc;
Lào Cai: Si Ma Cai, Bát Xát, Thị xã Sa Pa, Bắc Hà;
Cao Bằng: Bảo Lạc, Bảo Lâm.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1. Cơ quan khí tượng cảnh báo, lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết trong năm 2024, theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ bắt đầu phối hợp với các địa phương triển khai "Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27/10/2023.
Theo ông Lâm, nội dung của Quyết định số 1262/QĐ-TTg trên cơ bản toàn diện các công việc cần phải thực hiện, có tính đồng bộ, xuyên suốt và thể hiện sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và người dân nhằm đáp ứng mục tiêu: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý phục vụ triển khai nhiệm vụ liên quan đến phân vùng và cảnh báo sớm thiên tai sạt lở đất, lũ quét, đặc biệt là khu vực miền núi, trung du Việt Nam.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, đề án trên đặt ra mục tiêu Việt Nam sẽ hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở đất tỷ lệ 1: 50 000 hiển thị trên nền thông tin địa lý tỷ lệ 1:25 000 cho 37 tỉnh miền núi, trung du và tỷ lệ 1: 10 000 và lớn hơn đối với 150 khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét.
Đến năm 2030, Việt Nam cơ bản hoàn thành bộ bản đồ phân vùng rủi ro do sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ lớn cho những khu vực có nguy cơ rất cao; hoàn thiện hệ thống thông tin - cảnh báo sớm tổng thể kết nối liên thông với các bộ, ngành, địa phương, có sự phối hợp 2 chiều giữa các cơ quan quản lý, cơ quan cảnh báo, dự báo và người dân trong thu nhận, phân tích, xử lý thông tin dữ liệu để cung cấp kịp thời thông tin cảnh báo sạt lở đất, lũ quét cho các tỉnh miền núi, trung du Việt Nam.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 27/3: Miền Bắc mưa rải rác trước khi bước vào đợt nắng nóng 40 độ C