Hà Nội

Nhiều thương vong từ thói quen đốt pháo

07-01-2020 21:06 | Xã hội
google news

SKĐS - Mặc dù Nhà nước đã ban hành Luật nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo nổ, pháo hoa, thuốc pháo nổ, thuốc pháo hoa.

Nhưng chính thói quen đốt pháo vào dịp Tết Nguyên đán của người dân đang tạo điều kiện cho hành vi buôn lậu pháo, nhất là vào dịp gần Tết vẫn còn tiếp diễn, gây nhiều thương vong về người và của, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thói quen đốt pháo tiếp tay cho hành vi buôn lậu pháo

Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận bệnh nhân P.V.K (44 tuổi, Hà Nam) nhập viện với nhiều thương tích do nổ pháo. Theo lời kể từ người nhà ông K, ông đã mua pháo tự chế về để sử dụng dịp Tết. Trong quá trình sử dụng pháo nổ bất ngờ gây nhiều thương tích.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng, Khoa Phẫu thuật Hàm mặt Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Ngày 4/1/2020, sau khi được sơ cứu tại bệnh viện tỉnh Hà Nam, bệnh nhân P.V.K chuyển đến BV trong tình trạng tỉnh chậm, huyết động ổn, nhiều vết thương dập nát và dị vật vùng cánh tay, chấn thương phức tạp vùng mặt, 2 mắt nề, rách da mi, bờ mi phức tạp, đứt lệ quản, kết mạc phù nề, rất nhiều dị vật sâu trong mắt. Ngay lập tức, người bệnh được các bác sĩ làm sạch dị vật vùng mặt và cánh tay, tiến hành phẫu thuật điều trị gãy xương vùng mặt, xử lý vết thương phần mềm. Sau mổ, tình trạng người bệnh ổn định, các vết thương sạch. Dự kiến trong vòng 1-2 ngày tới sẽ được chuyển viện mắt để tiếp tục điều trị.

Theo các bác sĩ, trong những năm gần đây, nhiều ca chấn thương nặng, phức tạp pháo gia tăng trong các dịp lễ, Tết. Nhiều trường hợp để lại hậu quả đáng tiếc do chấn thương hoặc bỏng. Có nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra để lại các di chứng bỏng rất nặng nề... Vì vậy, người dân cần tuân thủ pháp luật, không buôn bán hoặc sử dụng các loại pháo nổ, bởi pháo không chỉ gây tai nạn cho bản thân người đốt pháo mà còn ảnh hưởng tới những người xung quanh. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp cứng rắn hơn để hạn chế tình trạng đốt pháo trong các dịp Tết.

Nhiều thương vong từ thói quen đốt pháoLực lượng chức năng Lạng Sơn triệt phá một tụ điểm tập kết hàng lậu.

Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống, Trung tá Vi Văn Cẩn, Chính ủy Đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) chia sẻ, hoạt động mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép chủ yếu diễn ra ở các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, nguồn pháo xác định là sản xuất tại Trung Quốc. Các đối tượng qua biên giới mua và vận chuyển trái phép vào Việt Nam bằng các phương tiện giao thông đường bộ, đường biển, đường tiểu ngạch... với thủ đoạn vô cùng tinh vi, thường trà trộn vào các mặt hàng khác, ngụy trang, gia cố thùng xe để vận chuyển pháo qua mặt lực lượng chức năng. Nếu không kiểm tra kỹ sẽ không phát hiện được.

Việc vận chuyển không chỉ vào dịp cuối năm mà được các đối tượng rải đều trong năm, nhưng vào thời điểm cuối năm việc mua bán vận chuyển càng nhiều, số lượng lớn. Mặc dù, các lực lượng chức năng liên tục ra quân xử lý, đồng thời bắt giữ hàng loạt vụ vận chuyển, tiêu thụ pháo lậu nhưng nạn pháo lậu vẫn diễn biến phức tạp, Trung tá Cẩn cho biết.

Tăng cường lực lượng, xử lý nghiêm hành vi đốt pháo

Lạng Sơn là địa bàn trọng điểm về vận chuyển buôn lậu pháo rất phức tạp trong năm 2019, các lực lượng đã bắt và thu giữ hơn 2 tấn pháo các loại. Theo ông Đặng Văn Ngọc, Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn cho biết, một giàn pháo nổ mua bên kia biên giới khi mang trót lọt vào Việt Nam được bán với giá gấp từ 8-10 lần. Lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng vẫn tìm mọi thủ đoạn để vận chuyển pháo vào Việt Nam bất chấp việc bị xử phạt.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các lực lượng chức năng, tình hình vi phạm pháp luật về pháo vẫn còn diễn biến phức tạp, pháo tàng trữ trái phép trong nhân dân vẫn còn nhiều, xảy ra tình trạng đốt pháo trái phép tại một số địa bàn, đặc biệt là trong thời gian cận kề Tết Nguyên đán. Điều này đòi hỏi lực lượng chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nắm tình hình địa bàn, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ pháo lậu ngay tại biên giới, ngăn chặn không để pháo lọt sâu vào nội địa, ông Ngọc chia sẻ.

Trung tá Vi Văn Cẩn cho biết, năm nào cũng vậy, tình trạng vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo vẫn diễn ra, đáng nói mặc dù Việt Nam chúng ta quyết liệt trong việc cấm pháo, tuy nhiên phía một số tỉnh biên giới Trung Quốc giáp Việt Nam vẫn cho đốt công khai, đó là một trong những nguyên nhân pháo vẫn còn tồn tại và len lỏi vào Việt Nam.

Tác hại của pháo gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, môi trường cũng như gây lãng phí, thiệt hại lớn về kinh tế chúng ta đều đã biết rõ. Vì vậy, đòi hỏi các ngành chức năng phải nghiêm khắc hơn đối với hành vi vận chuyển tàng trữ, sử dụng pháo. Hơn nữa, đối với các vụ án điển hình cần khẩn trương truy tố và xét xử lưu động để phục vụ công tác phòng ngừa, răn đe, giáo dục chung. Có như vậy mới hy vọng hạn chế được tình trạng đốt pháo cũng như vận chuyển pháo lậu như trong thời gian qua.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn