Ngành ngân hàng đang chứng kiến sự ra đi của nhiều thương hiệu trong nỗ lực tái cơ cấu ngành.
Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiA Bank) sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank)
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định về việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Á (DaiA Bank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20/12. Như vậy, Ngân hàng TMCP Đại Á sẽ chính thức bị xóa sổ sau 20 năm tồn tại.
Theo quyết định này, DaiA Bank có trách nhiệm bàn giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp cho HDBank.
Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định này (tức ngày 5/1/2014) có hiệu lực thành, DaiA Bank thực hiện thủ tục xóa tên trong sổ đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; Bố cáo sáp nhập, bố cáo chấm dứt hoạt động và việc giải quyết các quyền và các nghĩa vụ có liên quan theo quy định của pháp luật...
Bên cạnh đó, HDBank có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của DaiA Bank. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, HDBank phải hoàn tất các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; Bố cáo sáp nhập...
DaiA Bank được thành lập từ tháng 7/1993, là ngân hàng cổ phần đầu tiên hoạt động tại địa bàn tỉnh Đồng Nai. Được biết, trước đó, tại ĐHCĐ bất thường của hai ngân hàng này, cổ đông đã thông qua phương án hợp nhất, sáp nhập DaiA Bank vào HDBank.
Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu được quy định là 1:1. Đại hội cũng thống nhất tất cả nhân viên của DaiABank sẽ được giữ nguyên vị trí công tác và chế độ sau khi sáp nhập vào HDBank.
HDBank sau khi nhận sáp nhập sẽ có vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng với hơn 200 điểm giao dịch và hơn 3.600 nhân viên. Đến nay, Ngân hàng Phát triển TP HCM cũng đã cử cán bộ cốt cán vào điều hành và tái cơ cấu DaiA Bank.
Ngân hàng TMCP Nam Việt – Navibank rục rịch đổi tên
Ngân hàng TMCP Nam Việt – Navibank (HNX: NVB cũng vừa lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc rút niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Dân Quốc.
Theo đó, Navibank xin ý kiến cổ đông đổi tên thành Ngân hàng TMCP Dân Quốc với tên gọi tiếng Anh là National Citizen Bank. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ thay đổi logo và nhận diện thương hiệu.
HĐQT ngân hàng cũng xin ý kiến chuyển trụ sở làm việc từ Tp.HCM ra Hà Nội. Không chỉ vậy, ngân hàng này cũng đang chứng kiến một cuộc “tháo chạy” của các thành viên HĐQT.
Mới đây nhất, ngân hàng này cho biết đã có thêm 2 thành viên HĐQT gửi đơn từ nhiệm nên ngân hàng cũng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để bầu thay thế Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2010-2015. Tuy nhiên ngân hàng chưa công bố thông tin về 2 thành viên HĐQT từ nhiệm.
Như vậy, sau ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 “thay máu” thành viên HĐQT của ngân hàng, Navibank lại tiếp tục có sự thay đổi trong thành viên HĐQT.
Trước đó, thông tin 4 thành viên HĐQT từ nhiệm đã được công bố tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2013, trong đó có ông Đặng Thành Tâm. Ông Tâm đã có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT ngày 08/04/2013 sau gần 3 năm với lý do cá nhân và bận công việc.
Ông Tâm hiện đang nắm 7,137,592 cp NVB, tương đương tỷ lệ 2.37% (tính đến 30/06/2013).
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – vợ ông Tâm đã bán hết hơn 10.7 triệu cp (3.56%) trong 6 tháng đầu năm 2013.
Ngoài ra, thành viên Ban kiểm soát – bà Ngô Thị Phương Thủy cũng xin từ nhiệm.
Gần đây, Navibank đã công bố báo cáo tài chính ngân hàng mẹ quý 3/2013 với khoản lãi sau thuế 2.6 tỷ đồng, chỉ bằng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế lũy kế của Navibank theo đó đạt 10 tỷ đồng, tương đương gần 11% so với cùng kỳ năm 2012.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng âm 8.95% trong khi tăng trưởng huy động cũng âm 21.4%.
Đến ngày 30/9, nợ xấu của Navibank chiếm 8.7% tổng dư nợ, tăng hơn 3% so với hồi đầu năm.
GPBank có thể mất thương hiệu
Tới đây, nếu GPBank được một tập đoàn tài chính của Singapore mua lại phần lớn cổ phần, thì thương hiệu GPBank chưa chắc sẽ được giữ lại.Như vậy, trong năm nay, có thêm 4 - 5 tổ chức tín dụng bị xóa thương hiệu.
Quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã và đang được triển khai theo đúng mục tiêu, định hướng và lộ trình đặt ra.
Trên thực tế, trong khi công cuộc tái cơ cấu của nền kinh tế chuyển biến khá chậm, thì nỗ lực của NHNN trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là rất đáng ghi nhận.
Không chỉ “xóa sổ” một số ngân hàng yếu kém một cách êm xuôi, mà còn củng cố sự ổn định, kỷ cương, trật tự của cả hệ thống. Đặc biệt, một số ngân hàng sau khi tái cơ cấu đã dần có lãi như TienPhongBank, SHB, SCB…
Tuy nhiên, nhìn về những ngân hàng đã thực hiện M&A, vẫn còn đó những băn khoăn, cụ thể là nợ xấu của một số ngân hàng sau khi tái cơ cấu vẫn ở mức cao.
Theo Lao Động