Hà Nội

Nhiều thuốc có nguy cơ giảm tiểu cầu

14-03-2018 20:32 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Trung tâm Kiểm soát Phản ứng bất lợi của thuốc (CARM) tại New Zealand vừa nhận được một loạt các báo cáo về tình trạng giảm tiểu cầu do thuốc (DITP), trong đó bao gồm các thuốc là vắc-xin phòng bệnh sởi, quai bị, Rubella; viêm màng não; bạch hầu, ho gà, uốn ván; viêm gan B... và một số thuốc nghi ngờ khác là salmeterol, tacrolimus, ciprofloxacin và acyclovir.

DITP là một phản ứng bất thường tương đối ít và hiếm gặp nhưng lại có đến hơn 100 thuốc có liên hệ với DITP, trong đó có cả các thuốc dành cho trẻ em. Các dấu hiệu nhận biết giảm tiểu cầu do thuốc thường gặp là xuất hiện các đốm xuất huyết, vết thâm tím thường đi kèm triệu chứng giả cúm (sốt, rét run, buồn nôn, nôn). Một ít ca sẽ diễn tiến đến giảm tiểu cầu nặng và xuất huyết nghiêm trọng (như chảy máu não).

Tình trạng DITP xảy ra là kết quả của việc sản xuất kháng thể gắn kết với kháng nguyên đặc hiệu (epitopes) trên glycoprotein bề mặt tiểu cầu dẫn đến phá hủy tiểu cầu. Cơ chế này khác với giảm tiểu cầu do một số thuốc gây độc tế bào ảnh hưởng đến tủy xương. Thời gian xuất hiện DITP thường sau 1-2 tuần từ khi bắt đầu sử dụng thuốc nhưng có thể xảy ra muộn hơn khi dùng thuốc không liên tục và sớm hơn ở những người bệnh có tiền sử nhạy cảm với thuốc, chỉ trong vòng khoảng 1-2 giờ khi dùng thuốc, thậm chí trong vài phút sau dùng thuốc. Các triệu chứng giảm tiểu cầu sẽ bắt đầu mất đi sau vài ngày ngưng dùng thuốc, lượng tiểu cầu trở lại bình thường trong vòng 1 tuần. Trường hợp có giảm tiểu cầu nặng có thể cần truyền tiểu cầu. Mặc dù kháng thể phụ thuộc thuốc có thể tồn tại nhiều tháng đến nhiều năm, nhưng sự giảm tiểu cầu sẽ không tái phát trừ khi sử dụng lại thuốc.

CARM khuyến cáo các bác sĩ luôn thận trọng trong việc kê đơn và coi thuốc là nguyên nhân có thể gây suy giảm tiểu cầu. Biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng này là ngừng dùng thuốc.


Bảo Châu (Theo medsafe.govt.nz)
Ý kiến của bạn