Theo kết quả sát hạch vừa được Sở Nội vụ Hà Nội công bố, kỳ tuyển dụng công chức 2014 có 41 người thuộc diện đặc cách không phải tham gia thi tuyển, nhưng vẫn phải trải qua kỳ kiểm tra sát hạch (hình thức sát hạch: bằng bài viết và phỏng vấn trực tiếp). Họ là những thủ khoa đại học trong nước, tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, 10 thí sinh đã bị trượt tại kỳ kiểm tra sát hạch. Trong đó, 6 thí sinh là thủ khoa các trường đại học trong nước và 4 thí sinh bằng giỏi, xuất sắc nước ngoài. Trong 4 thí sinh tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài bị trượt, có 3 người là thạc sĩ.
Việc kiểm tra sát hạch những người thuộc diện đặc cách ứng tuyển vào công chức thủ đô năm 2013 cũng có kết quả tương tự. Năm 2013, có 43 thí sinh thuộc diện đặc cách, qua sát hạch có 9 người không đạt, trong đó có 5 thủ khoa các trường đại học trong nước và 4 thí sinh tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc nước ngoài.
- Nhiều thủ khoa có nguyện vọng làm việc trong các cơ quan nhà nước sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Việt Hùng.
Trao đổi với PV, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thủ khoa Hà Nội, thạc sĩ Nguyễn Hùng Cường (Thủ khoa ĐH Luật Hà Nội năm 2007) cho hay, việc các thủ khoa bị loại sau kỳ kiểm tra, sát hạch có thể gây hiệu ứng phản cảm cho xã hội. Hà Nội đã tổ chức vinh danh thủ khoa thì nên tuyển thẳng họ vào cơ quan công sở. Sau một thời gian nhất định để họ thể hiện khả năng thì tổ chức đánh giá năng lực làm việc và đưa ra quyết định nhận hay không. Hoặc thành phố cho thủ khoa thi tuyển công chức cùng những người khác và cộng số điểm ưu tiên nhất định cho họ.
“Đã gọi là tuyển thẳng lại qua kiểm tra, sát hạch thì không khác gì một kỳ thi. Hơn thế việc tổ chức kiểm tra, sát hạch làm mất đi ý nghĩa của việc trải thảm đỏ thu hút nhân tài của Hà Nội”, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thủ khoa bày tỏ.
Về các trường hợp thủ khoa trong nước vẫn trượt công chức, thạc sĩ Cường cho rằng, việc chấm điểm, đặc biệt qua phỏng vấn chỉ phản ánh một phần trình độ của thí sinh nên những người bị điểm thấp chưa chắc đã kém và ngược lại. Cạnh đó, cùng là thủ khoa nhưng chắc chắn họ không đồng đều về trình độ bởi còn phụ thuộc vào môi trường đào tạo và nỗ lực phấn đấu của mỗi cá nhân.
Cũng theo thạc sĩ Cường, việc đánh giá tấm bằng giỏi, xuất sắc nước ngoài còn phụ thuộc bằng đó của trường nào, nước nào, nằm trong tốp bao nhiêu của các trường đại học trên thế giới. “Không phải thủ khoa nào cũng giỏi và không phải có bằng giỏi, xuất sắc nước ngoài là trình độ cao”, anh Cường nói.
Không đề cập cụ thể về chất lượng thủ khoa, nhưng Trưởng ban Thanh niên trường học Thành đoàn Hà Nội, ông Nguyễn Thiên Tú (đơn vị được thành phố giao tổ chức vinh danh thủ khoa 12 năm qua) cho hay, việc chọn lựa thủ khoa cũng đã được tính toán kỹ.
“Số lượng thủ khoa các trường căn cứ vào số chuyên ngành, lĩnh vực đào tạo, số lượng sinh viên, chất lượng đầu vào và đầu ra. Do đó, một số trường có 6-7 thủ khoa được vinh danh, nhưng cũng nhiều trường chỉ có một thủ khoa nằm trong danh sách tôn vinh”, ông Tú nói.
Trưởng ban Thanh niên cho biết, việc trọng dụng thủ khoa sau khi tuyên dương do Sở Nội vụ thực hiện. Nhưng kết quả khảo sát nguyện vọng công tác sau khi ra trường của các thủ khoa 2 năm qua cho thấy xu hướng muốn được làm việc trong các cơ quan nhà nước tăng cao.
Năm 2013 (123 thủ khoa) thì tới 65 người có nguyện vọng đi làm tại các cơ quan nhà nước, 30 người muốn làm cho các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2014 (132 thủ khoa), số có nguyện vọng đi làm tại các cơ quan nhà nước tăng lên 70, số em muốn làm cho các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài giảm xuống 15.
Nói về xu hướng thủ khoa muốn làm việc cho cơ quan nhà nước sau khi tốt nghiệp, ông Nguyễn Thiên Tú nhận định: “Có thể vài năm gần đây, kinh tế suy thoái nên nhiều người có nguyện vọng muốn được làm việc trong các cơ quan nhà nước cho ổn định”.