Ông H. (48 tuổi) - một người “thạo” tin tức và làm “thổ địa” cho chúng tôi ở vùng biên giới này, nói: “Lao Bảo bây giờ như kho hàng lậu khổng lồ của miền Trung với hàng trăm mặt hàng từ Lào sang và tràn vào khuynh đảo thị trường miền Trung. Giáp Tết lại càng tấp nập hơn”.
Năn nỉ mãi, ông H. mới chịu đưa chúng tôi xuống các bến đò bên dòng Sê-Pôn, khu vực “phên dậu” giáp đất Lào để mục kích nơi hàng lậu vượt biên giới. Nhưng ông H. có phần lo lắng: “Tui người ở đây thì không sao, các cậu lạ, xuống đó phải cẩn thận nhé. Chỗ làm ăn của dân buôn lậu không đơn giản đâu”.
Từ kho hàng trên đất bạn...
Nhiều người “thạo nghề” lẫn lực lượng hải quan ở Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã xác nhận với chúng tôi về một kho hàng mang tên Đào Hương, đóng bên đất Lào, sát sông Sê-Pôn, chủ kho là người Việt, có công ty cùng tên đứng chủ. Kho hàng này từ lâu là một nguồn cung cấp hàng chính cho hoạt động buôn lậu tại khu vực cửa khẩu này.
Được biết, kho Đào Hương có đủ hàng lậu “truyền thống” của khu biên giới này. Từ rượu bia, nước tăng lực, thuốc lá, bột ngọt, bánh kẹo...; rồi nước hoa, mỹ phẩm... cho đến hàng điện tử, săm lốp, linh kiện máy móc... Tất cả các mặt hàng này phần lớn đều được nhập cảng vào Thái Lan hoặc do nước này sản xuất, rồi quá cảnh trên lãnh thổ của Lào vào cất chứa tại kho. Các đầu nậu cần bao nhiêu, chỉ cần đặt trước là sẽ có đủ.
Có hàng chục chuyến xe tải chở hàng ra vào kho này mỗi ngày và có cả đến trăm cửu vạn gồm cả người quốc tịch Lào lẫn Việt với nhiệm vụ bốc xếp hàng vào kho hay vận chuyển xuống đò vượt sông Sê-Pôn, nhập trái phép vào đất Việt.
... đến những bến đò tấp nập
Ông H. cho hay, trên đoạn sông Sê-Pôn (được xem như là ranh giới Việt - Lào) dài chưa đến 10km mà có cả chục bến đò. Các bến này tập trung hàng trăm thuyền máy nhỏ nhưng không chở khách mà để chuyển và “ăn hàng”. Nhộn nhịp nhất là các bến: Duy Tân, Tân Kim, Kơ-Túp (cùng thuộc thị trấn Lao Bảo), Tân Long (xã Tân Long), Tân Thành (xã Tân Thành), thuộc huyện Hướng Hóa...
Con đường dẫn xuống bến đò Duy Tân (thuộc khóm Duy Tân) là một con đường mòn đất đỏ, gập ghềnh, lởm chởm đất đá nhưng hai bên hằn sâu những vết bánh xe tải chở hàng. Xe máy chúng tôi vừa chạm bánh đến đầu đường, một thanh niên với vẻ rất “số má” nhìn chằm chằm và hỏi ông H.: “Ai đây?”. “Thằng em mới lên chơi. Muốn xem biên giới và sông Sê-Pôn cho biết” - ông H. nhanh trí đáp như đã chuẩn bị trước.
Con đường xuống bến đò chưa đầy nửa cây số mà đã có 4 người đàn ông đứng dọc bên đường. Ông H. cho biết, họ như “vệ tinh”, hễ “có động” là bến sẽ dừng hoạt động ngay. Sự có mặt của chúng tôi lúc đầu khiến tất cả mọi người, từ các vệ tinh đến dân chuyển hàng lậu chú ý. Nhưng đến khoảng 10h30 sáng - là thời điểm hàng từ bên nước bạn Lào bắt đầu theo dòng Sê-Pôn ùn ùn đổ về, hàng chục đò bắt đầu kéo máy phành phạch, tiếng khét rẹt và mọi người bắt đầu tất bật chạy, chuyển, “ăn” hàng..., họ tạm quên đi sự có mặt của “khách lạ”.
Ồ ạt là thế nhưng khi lực lượng chức năng xuống kiểm tra, truy bắt, các đò quay ngoặt hướng trở lại phía địa phận Lào, để lại sự “bó tay” cho lực lượng truy bắt vì không có thẩm quyền trên đất Lào.
Bến đò Duy Tân là điểm “nóng” và tấp nập nhất về hàng lậu. Đứng từ bến này nhìn lên dọc sông khoảng hơn 300m có thể nhìn thấy Trạm kiểm soát sông của lực lượng biên phòng và hải quan. Ông H. và nhiều người khác cho hay, ở trạm đó nhìn xuống có thể bao quát hết đoạn sông, nhưng “giỏi lắm” họ cũng chỉ xuống bến vài lần mỗi tháng.
Ngoài đường vượt sông Sê-Pôn, một số khách hàng lậu từ Lào còn theo các đường tiểu ngạch xung quanh Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo để qua mặt lực lượng chức năng...
“Vương quốc hàng lậu” Lao Bảo
Tại các bến đò Duy Tân, Kờ-Túp, Tân Kim hay Tân Long... khi có thuyền cập bến sẽ có một đội cửu vạn ngồi trên các triền đồi hai bên sông ập xuống rất nhanh để “ăn hàng”. Đội cửu vạn này, nam có, nữ có, người Kinh có, đồng bào dân tộc cũng có và vào mùa giáp Tết, mỗi người có thể kiếm vài trăm nghìn đồng mỗi ngày.
Sau khi được chuyển từ đò lên, hàng nhanh chóng được chất lại lên xe tải hoặc xe máy tùy vào số lượng. Hàng có thể tiếp tục xuôi dọc Quốc lộ 9 (còn gọi là đường xuyên Á) về xuôi ngay hoặc cũng có thể chuyển về trữ tại nhà các đầu nậu. Hàng chục nhà ở khóm Tây Chín (thuộc thị trấn này) là những kho hàng lậu lớn, tấp nập hàng vào, ra mỗi ngày. Chỉ cần dùng xe máy dạo qua cũng có thể thấy ngay trước mắt.
Ngoài các mặt hàng lậu “truyền thống” vẫn ồ ạt từ những năm trước còn nhiều loại hàng cấm có giá trị lớn như gỗ trắc, gỗ hương, động vật hoang dã quý hiếm. Đặc biệt là “hàng trắng”, các loại ma túy tổng hợp, cần sa cũng xuất hiện ở Lao Bảo ngày một nhiều hơn. Minh chứng cho điều này là số vụ bắt giữ của lực lượng chức năng ngày một nhiều, dày đặc và mức độ cũng lớn hơn trước.
Bài, ảnh: Trần Nguyên Phong