Hà Nội

Nhiều thách thức trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em

08-12-2022 15:00 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Số tai biến sản khoa hầu như không giảm nhiều, dịch bệnh diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, thiên tai… khiến các vấn đề về sức khoẻ bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em có xu hướng gia tăng.

Giải pháp nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu sốGiải pháp nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số

SKĐS - Đặc thù của vùng dân tộc thiểu số và miền núi là địa hình đi lại khó khăn, trình độ văn hóa còn thấp, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại… do đó cần có chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng sức khỏe sinh sản.

Số tai biến sản khoa gần như không giảm

Bên cạnh những thành tựu đạt được, các can thiệp cải thiện sức khoẻ, giảm tử vong mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững SDGs ở Việt Nam vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức lớn. Mức độ cải thiện chậm, sự khác biệt giữa các vùng miền và một số khó khăn mới xuất hiện là những rào cản trong thực hiện can thiệp, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung cũng như cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em nói riêng.

Nhiều thách thức trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em - Ảnh 2.

Số tai biến sản khoa hầu như không giảm trong khoảng thời gian từ 2015 đến nay (dao động từ 4,5 - 5/1000 ca đẻ).

Về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, mặc dù các chỉ số về chăm sóc trước, trong và sau sinh đều đạt tỷ lệ cao nhưng tỷ lệ phụ nữ được khám thai ≥ 4 lần (ANC4+) còn thấp, chưa có sự gia tăng đáng kể qua các năm và có sự khác biệt rất rõ rệt giữa các vùng miền. Tỷ lệ ANC4+ chung của cả nước chỉ đạt 70%, và thấp nhất là khu vực Vùng núi phía Bắc (40%) và Tây nguyên (64%), điều đó thể hiện chất lượng khám thai, chăm sóc trước sinh còn thấp.

Số tai biến sản khoa hầu như không giảm trong khoảng thời gian từ 2015 đến nay (dao động từ 4,5 - 5/1000 ca đẻ). Mặc dù hầu hết các bà mẹ đều được cán bộ y tế đã được đào tạo đỡ đẻ nhưng số tử vong do các tai biến tại cuộc đẻ vẫn ở mức 1,5 -1,7% trong tổng số các trường hợp tai biến. Phát hiện nguy cơ, xử trí đúng, kịp thời là can thiệp cốt lõi cứu sống bà mẹ trong các cơ sở y tế.

Tai nạn, thương tích và sự bùng phát trở lại của một số bệnh nhiễm khuẩn có thể dự phòng được bằng tiêm chủng trong những năm gần đây là một thách thức lớn trong gánh nặng bệnh tật và tử vong trẻ em. Dịch sởi năm 2013 - 2014 lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước với hơn 4000 trẻ mắc và hơn 100 trẻ dưới 5 tuổi tử vong. Mặc dù cũng đã nhiều biện pháp can thiệp tích cực nhưng dịch sởi vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.

Số liệu năm 2019 cho thấy toàn quốc ghi nhận trên 43.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi với hơn 14.000 ca đã được xác định bằng xét nghiệm. Bệnh sởi xuất hiện ở tất cả 63 tỉnh/thành phố trên cả nước, trong đó có những tỉnh, thành phố có tỷ lệ cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đắc Lắc.

Dịch bạch hầu sau nhiều năm được không chế, gần đây cũng đã xuất hiện lại. Tuy không rầm rộ như bệnh sởi nhưng bệnh thường diễn biến nặng và nguy cơ tử vong cao. Số liệu năm 2019 cho thấy có 53 trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở 7 tỉnh, thành trong đó có 5 trẻ tử vong.

Như vậy, Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn nữa cả về đầu tư nguồn lực cũng như các can thiệp chuyên môn phù hợp để đạt chỉ tiêu hạ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Thu hẹp sự khác biệt trong chăm sóc sức khỏe và tử vong trẻ em giữa các vùng miền, giảm nhanh tử vong sơ sinh và ngăn chặn nguy cơ của một số dịch bệnh bùng phát trở lại là ưu tiên trong giai đoạn tới.

Thiên tai, thảm họa làm hạn chế tiếp cận dịch vụ với bà mẹ và trẻ em

Tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, môi trường đối với sức khỏe bà mẹ, trẻ em, và trẻ sơ sinh. Nước ta nằm trong vùng địa lý dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa. Hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh, lũ lụt... xảy ra hàng năm và khó lường được hậu quả nặng nề để lại. Thêm vào đó, tác hại của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây đã gây tổn thương nhiều đến phát triển kinh tế, xã hội và nặng nề nhất là vấn đề sức khoẻ, trong đó phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhất.

Việt Nam vừa đối mặt với giai đoạn khó khăn để khống chế đại dịch COVID- 19 vừa phải chịu tác động nặng nề của bão, lụt, lũ quét ở các tỉnh miền Trung dẫn tới hạn chế việc tiếp cận cũng như cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, đe dọa tính mạng của cả bà mẹ và trẻ sơ sinh. Riêng đối với trẻ em, theo ước tính của UNICEF, lũ lụt và sạt lở đất trên diện rộng tại 5 tỉnh miền Trung Việt Nam cuối năm 2020 đã khiến hơn 1,5 triệu trẻ em có nguy cơ mắc bệnh, dinh dưỡng kém và chậm phát triển.

Việc chuẩn bị và đáp ứng kịp thời với thiên tai, thảm họa, dịch bệnh để giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe người dân nói chung và bà mẹ, trẻ em nói riêng là hết sức cần thiết. Các chiến lược quốc gia về chăm sóc sức khỏe cần có những kế hoạch cụ thể để đáp ứng được nhu cầu cơ bản nhất khi có thảm họa xảy ra.

Nhiều thách thức trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em - Ảnh 3.

Chiến lược trong giai đoạn tới cần chú trọng đến một số vấn đề như suy dinh dưỡng thấp còi ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, thừa cân/béo phì ở khu vực đô thị, thành phố.

Ô nhiễm không khí, môi trường ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người nói chung và sức khỏe bà mẹ, trẻ em nói riêng. Phụ nữ mang thai luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng khi phải ở trong môi trường khói bụi và làm tăng nguy cơ sẩy thai, chết lưu, đẻ non/nhẹ cân, đẻ khó cũng như giảm khả năng sinh sản.

Đối với trẻ em, chức năng phổi chưa hoàn thiện so với người lớn vì thế dễ tổn thương hơn với các bệnh do ô nhiễm không khí và khi mắc bệnh thường trầm trọng hơn. Theo WHO, trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng gánh chịu tới 43% tổng gánh nặng bệnh tật do yếu tố môi trường gây ra và mỗi năm thế giới có khoảng 7 triệu trẻ em tử vong vì ô nhiễm không khí.

Một số vấn đề về sức khỏe bà mẹ có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây cần được quan tâm để có các can thiệp kịp thời. Đó là tỷ lệ mổ lấy thai tăng ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và con trước mắt và lâu dài; số bà mẹ bị ung thư vú, ung thư tử cung cũng tăng một cách rõ rệt và đáng lưu ý là thường phát hiện muộn.

Tỷ lệ bà mẹ bị trầm cảm sau sinh ít được quan tâm trong khi tỷ lệ ngày càng nhiều và đã gây một số hậu quả đáng tiếc. Cần có một khảo sát toàn diện để đánh giá đúng tầm quan trọng của các vấn đề này làm cơ sở cho các kế hoạch hành động trong những năm tới sát thực với nhu cầu của cộng đồng.

Về sức khỏe sơ sinh, tỷ lệ các bệnh di truyền, chuyển hoá, dị tật bẩm sinh vẫn là một trong các nguyên nhân gây tử vong mà chưa có can thiệp hiệu quả. Vì thế, phòng bệnh vẫn là phương pháp hữu hiệu nhất nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh. Ngoài những can thiệp từ phía bà mẹ như đã đề cập ở trên, sàng lọc trước và sau sinh là can thiệp có tính chất quyết định làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh, tật này.

Đối với sức khỏe trẻ em, chiến lược trong giai đoạn tới cần chú trọng đến một số vấn đề như suy dinh dưỡng thấp còi ở khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, thừa cân/béo phì ở khu vực đô thị, thành phố; rối nhiễu tâm trí và các bệnh dịch mới nổi cũng như sự trở lại của các bệnh có thể phòng được bằng tiêm chủng

(Theo Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ giai đoạn 2021-2025 của Bộ Y tế).

Báo động dinh dưỡng cho trẻ em vùng dân tộc thiểu sốBáo động dinh dưỡng cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số

SKĐS - Trẻ em các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng. Số liệu cho thấy có 38% trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Mùa Lạnh Đừng Để Viêm Phổi 'Tấn Công" | SKĐS


PV
Ý kiến của bạn