Nhiều thách thức khi phạt nguội người đi xe máy

25-04-2024 10:20 | Xã hội

SKĐS - Theo chuyên gia, việc xử phạt nguội đối với xe cá nhân, đặc biệt là xe mô tô, xe gắn máy là cần thiết song còn nhiều khó khăn do chưa siết chặt quy định xe chính chủ, hệ thống camera giao thông chưa phủ rộng...

Lắp mới rào chắn trên đường dành cho xe đạp liệu có ngăn được xe máy?Lắp mới rào chắn trên đường dành cho xe đạp liệu có ngăn được xe máy?

SKĐS - Thiết kế rào chắn mới trên tuyến đường ưu tiên có phần thuận tiện hơn cho người đi xe đạp nhưng lại khó ngăn được xe máy đi vào.

Phạt nguội để nâng cao ý thức người lái xe máy

Trong phát biểu kết luận tại Hội nghị sơ kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý I/2024 vào sáng 24/4, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đặc biệt lưu ý vấn đề ý thức của người lái trong việc chấp hành luật giao thông.

Bộ trưởng nhận định việc xử phạt nguội ô tô đang làm rất tốt nhưng vi phạm của xe máy còn rất nhiều, cần có hình thức xử phạt nguội đối với phương tiện này. Ông nhận định, việc cải thiện hành vi của người đi xe máy chắc chắn sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới.

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), đến hết năm 2023, tổng số lượng xe máy ở Việt Nam đạt hơn 73 triệu chiếc. Riêng tại Hà Nội, thống kê của Sở Giao thông Vận tải cho thấy, đến tháng 11/2023, Thủ đô có hơn 8 triệu phương tiện tham gia giao thông, trong đó chủ yếu là xe máy với 6,7 triệu chiếc.

Nhiều thách thức khi phạt nguội người đi xe máy- Ảnh 2.

Đến hết năm 2023, tổng số lượng xe máy ở Việt Nam đạt hơn 73 triệu chiếc.

Được biết lực lượng cảnh sát giao thông hiện đã triển khai phạt nguội với xe máy. Gần đây nhất vào cuối tháng 3, qua trích xuất camera giám sát, Công an huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã phát hiện, xử lý nhiều tài xế điều khiển mô tô, xe gắn máy vi phạm luật giao thông. Trong đó có trường hợp bà N.T.T. (41 tuổi, trú tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa). Chỉ trong tháng 2, bà đã vi phạm 26 lần, cụ thể là 16 lần vượt đèn đỏ và 10 lần không đội mũ bảo hiểm. Với các lỗi vi phạm này, bà T. bị xử phạt 15,4 triệu đồng.

Tại Hà Nội, cảnh sát giao thông cũng tiến hành xử phạt nguội với người điều khiển xe máy. Việc xử lý phạt nguội không chỉ được ghi nhận thông qua hệ thống giám sát mà còn từ thông tin, hình ảnh của người dân gửi cho cảnh sát giao thông thông qua Zalo.

Tuy nhiên việc phạt nguội với xe máy còn nhiều rào cản. Theo ThS Nguyễn Văn Thanh, chuyên gia về giao thông đô thị, thực tế nhiều xe máy mua đi bán lại qua nhiều đời chủ, do đó khi gửi thông báo vi phạm giao thông về địa chỉ chủ xe đăng ký, thì chủ xe hiện tại không nhận được. Do xe máy không phải đăng kiểm như ô tô, nên kể cả nhận được thông báo vi phạm, thì chủ xe máy cũng thường "phớt lờ" khiến cơ quan chức năng "bó tay".

Do vậy, nếu thực hiện tốt việc sang tên đổi chủ xe, sau này khi bỏ hộ khẩu sẽ đồng bộ hóa dữ liệu dân cư quốc gia, toàn bộ người dân sử dụng căn cước công dân gắn chíp sẽ thuận lợi trong việc tra cứu, gửi thông báo vi phạm, từ đó xử phạt nguội xe máy sẽ hiệu quả hơn.

Không dễ áp dụng phạt nguội xe máy ngay lập tức

PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức cho rằng, việc xử phạt nguội đối với xe cá nhân, đặc biệt là xe mô tô, xe gắn máy là cần thiết vì số lượng xe lớn. Tuy nhiên để triển khai ngay trên diện rộng thì rất khó. Bởi lẽ để phạt nguội cần có số lượng lớn hệ thống camera khắp nơi trên toàn quốc để phát hiện những hành vi vi phạm. Thứ hai, ô tô có 2 biển phía trước và phía sau nên camera dễ soi được biển số nhưng xe máy chỉ có biển số phía sau.

"Một vấn đề thách thức nữa là xe máy ở nước ta được bán trao tay nhiều, thậm chí có xe qua mấy chủ. Do đó, xảy ra hiện tượng xe lưu thông ở tỉnh A nhưng chủ thực sự lại ở tỉnh B. Vậy camera làm cách nào để xác định được chính xác người điều khiển phương tiện vi phạm?", PGS. TS Vũ Anh Tuấn đặt vấn đề.

Một chuyên gia giao thông đô thị đề xuất, để xử lý được phạt nguội xe máy hiệu quả, cần định danh số tài khoản ngân hàng đối với các chủ phương tiện. Khi xe máy bị ghi hình phạt nguội, nếu cơ quan chức năng thông báo nộp phạt mà chủ xe không chấp hành, đến thời hạn, cơ quan chức năng có thể thông báo lỗi để ngân hàng trừ tiền trong tài khoản của chủ xe.

Việc triển khai phạt nguội cần có lộ trình. Đầu tiên là phải đăng ký biển số xe máy chính chủ trên phạm vi toàn quốc. Tiếp đến cần quy định xe máy phải lắp biển cả trước và sau giống như Thái Lan, Indonesia hay Malaysia. Cuối cùng là cần có hệ thống camera AI để hỗ trợ phát hiện những phương tiện vi phạm.

Theo các chuyên gia, về lâu dài, các giải pháp tập trung vào 3 trụ cột chính. Cụ thể, về hạ tầng giao thông, xây dựng những tuyến đường an toàn hơn. Với phương tiện, nâng cao chất lượng phương tiện bằng cách phát triển hệ thống hỗ trợ người lái trên xe máy, có quy định quản lý xe máy cũ nát. Với con người, cần tập trung tuyên truyền giáo dục đào tạo nâng cao hiểu biết và kiến thức về an toàn giao thông cũng như tăng cường giám sát, nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe, hạn chế các vi phạm giao thông là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông.

Theo quy định, các trường hợp xe máy bị phạt nguội như sau: Trường hợp người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/giờ đến dưới 10 km/giờ, theo điểm c Khoản 2 Điều 6 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi tại điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021) của Chính phủ, bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

Người điều khiển phương tiện cũng có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/giờ đến 20 km/giờ; Dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; Vượt xe trong những trường hợp không được vượt, vượt xe tại đoạn đường có biển báo hiệu có nội dung cấm vượt đối với loại phương tiện đang điều khiển, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm h khoản 3 Điều này; Vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ;

Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính. Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/giờ cũng có có thể bị xử phạt từ 4-5 triệu đồng.

Tạm giam đối tượng mượn xe máy của bạn rồi mang đi bánTạm giam đối tượng mượn xe máy của bạn rồi mang đi bán

SKĐS - Sau khi mượn xe máy của bạn để đi mua thuốc lá, Nguyễn Văn Phúc đã mang đi bán lấy tiền tiêu xài.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 25/4 | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn