Hà Nội

Nhiều thách thức “hậu” COP-21

14-12-2015 02:01 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21) đã kết thúc thành công khi đạt được thỏa thuận lịch sử chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Các nước đã nhất trí không để nhiệt độ trái đất tăng 2oC. Tuy nhiên, thách thức chưa phải là đã hết đối với thế giới.

Rốt cuộc sau nhiều năm bế tắc trong đàm phán, 196 thành viên Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cuối cùng cũng đã ký vào bản thỏa thuận lịch sử, thay thế Nghị định thư Kyoto vào năm 2020. Tuy nhiên, trước đó, các cuộc thảo luận chính thức về bản dự thảo thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP-21) tại Paris (Pháp) đã được lùi tới 17h30 ngày 12/12 giờ Paris, tức 23h30 đêm thứ 7 giờ Việt Nam - muộn hơn dự kiến ban đầu 2 tiếng đồng hồ.

Nguyên thủ các nước vui mừng sau khi ký Hiệp định lịch sử tại Paris ngày 13/12 để ngăn chặn tình trạng trái đất nóng lên.

Mục tiêu của thỏa thuận là nhằm cách mạng hóa hệ thống năng lượng của thế giới bằng cách cắt giảm hoặc loại bỏ than đá và các loại nhiên liệu hóa thạch khác, thay thế chúng bằng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió. Từ đó giảm thiểu việc sử dụng than đá gây phát thải khí nhà kính. Đây được xem như yếu tố mấu chốt nhằm hạn chế tối đa tình trạng hạn hán, bão lụt và thảm họa thiên tai.

Thế giới mừng vui trước sự kiện này. Phát biểu với báo chí tại Paris, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố: “Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại đối với hành tinh và người dân địa cầu. Chúng ta cuối cùng cũng có thể nói với con cháu chúng ta rằng, chúng ta đã chung tay cho việc để lại một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau”.

Các thống kê dự báo khoảng 100 triệu người sẽ rơi vào cảnh đói nghèo và 400 triệu người khác sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi biến đổi khí hậu trong trường hợp nhiệt độ trái đất tăng thêm 30C. Đối với Việt Nam, nếu mực nước biển dâng với kịch bản 1m vào năm 2100, 10% dân số của Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp. Các quốc gia khác cũng tương tự. GDP toàn cầu sẽ thiệt hại ở mức khổng lồ nếu như nhiệt độ trái đất tăng đến 3oC.

Việc 196 quốc gia ký vào bản Thỏa thuận khung của LHQ cho thấy nỗ lực và quyết tâm của toàn cầu ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra: Liệu thế giới đã có thể “thở phào nhẹ nhõm” với bản Hiệp ước Paris vừa được ký kết?

Giới phân tích cho rằng, việc thông qua Hiệp ước Paris không có nghĩa là đã giải quyết xong vấn đề biến đổi khí hậu. Bởi những cam kết vừa đạt được mới chỉ là xuất phát điểm cho một chặng đường dài nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu do biến đổi khí hậu mang lại. Điều quan trọng hiện nay là làm thế nào để hiện thực hoá quyết tâm chính trị của mỗi nước bằng hành động thực tế. Cụ thể, để hiện thực hoá bản Thỏa thuận Paris, mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải phê chuẩn văn bản trên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đã có nhiều bất đồng nảy sinh khi các phe phái ở nhiều quốc gia luôn tìm cách biến việc phê chuẩn thỏa thuận trở thành các cuộc mặc cả chính trị hòng đổi lại lợi ích cho bản thân mình.

Theo Hiệp ước Paris, các nước giàu sẽ hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển với mức 100 tỷ USD mỗi năm kể từ năm 2020 để kiềm chế lượng phát thải khí nhà kính. Số tiền này sẽ cho phép các nước đang phát triển đi tắt đón đầu các giai đoạn của sự tăng trưởng kinh tế, để vừa thực hiện các cam kết, vừa thực hiện mục tiêu phát triển và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, làm sao huy động đủ số tiền này khi mỗi quốc gia còn phải đối mặt với những thách thức nội tại cũng đã đặt ra không ít băn khoăn.

Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Obama cho rằng “không thỏa thuận nào là hoàn hảo kể cả thỏa thuận vừa đạt được tại Paris”. Nếu các nước phát triển không đẩy mạnh việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất hiện đại, bảo vệ môi trường cho các nước đang phát triển thì cam kết giảm khí thải sẽ chỉ nằm trên giấy.


N.Minh
Ý kiến của bạn