Cuối tháng 2/2020, bé gái 16 tháng tuổi (trú tại Hương Nha – Tam Nông – Phú Thọ) được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Sản Nhi trong tình trạng hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn nặng, da và niêm mạc tím tái nhiều. Nguyên nhân được xác định do bé bị ngã xuống ao, đuối nước trong lúc chơi đùa cùng anh trai ở nhà.
Sau khi được sơ cứu nhanh bởi các bác sĩ khoa Cấp cứu, bệnh nhi ngay lập tức được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc và được áp dụng những kỹ thuật hồi sức cấp cứu hiện đại nhất hiện nay như thông khí bảo vệ phổi, siêu lọc máu trong 30 giờ. Sau 72 giờ "chiến đấu", các bác sĩ đã mang cháu trở lại với cuộc sống.
Không lâu sau đó, Trung tâm tiếp tục ghi nhận một trường hợp tai nạn sinh hoạt đáng tiếc xảy ra do bỏng cồn ở bé trai 10 tuổi (trú tại Việt Trì – Phú Thọ). Được biết, trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19, bố mẹ bé đã mua cồn 90°C với mục đích dùng để sát khuẩn tay và vật dụng trong nhà. Không may, trong lúc chơi đùa ở nhà, bé trai hiếu động nghịch lửa với chai cồn khiến ngọn lửa bùng lên, gây bỏng nặng khoảng 60% diện tích cơ thể trẻ, mức độ tổn thương độ 2 – 3 phối hợp, các tổn thương rộng, sâu đặc biệt là ở cơ quan sinh dục….
Sau khi được các bác sĩ khoa Cấp cứu điều trị chống đau, chống sốc, bệnh nhi được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị chuyên sâu.
Vết bỏng nặng trên cơ thể bé trai 10 tuổi do nghịch cồn.
Mới đây nhất, một bệnh nhi 30 tháng tuổi (trú tại Việt Trì – Phú Thọ) được đưa đến Khoa Cấp cứu, Trung tâm Sản Nhi do ngã cầu thang từ tầng 2 xuống. Theo lời kể của gia đình, trẻ tự chơi một mình trên tầng 2 và hiếu động chui đầu qua song chắn cầu thang, không may trượt chân ngã xuống đất.
Khi được đưa đến Trung tâm Sản Nhi, trẻ lơ mơ, nôn nhiều, đầu chảy máu, 3 giờ sau trẻ rơi vào tình trạng hôn mê. Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy hình ảnh máu tụ vùng mái lều tiểu não hai bên và vỡ xương chẩm bên trái. Bệnh nhi ngay lập tức được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc và được áp dụng phác đồ điều trị tích cực bằng đặt ống nội khí quản, thở máy, dùng kháng sinh, bổ não… Sau 2 ngày điều trị, trẻ được rút máy thở, tiên lượng tốt hơn.
Bé 30 tháng tuổi tai nạn ngã cầu thang đang được điều trị tích cực.
Theo ThS.BS. Nguyễn Đức Long – Trưởng Khoa Cấp cứu, Trung tâm Sản Nhi, tai nạn thương tích có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào. Riêng với trẻ nhỏ, các tai nạn thường xảy ra bất ngờ, khó lường trước được và có thể gây ra những thương tổn thực thể rất nghiêm trọng trên cơ thể trẻ. Sở dĩ có điều này là bởi trẻ nhỏ thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn thương tích.
Một số thống kê cho thấy, ở lứa tuổi từ 1-5 tuổi, trẻ thường gặp tai nạn liên quan đến bỏng do lửa, điện, nước sôi hoặc đuối nước, hóc dị vật, ngã cầu thang,… Trong độ tuổi từ 6-10 tuổi, trẻ lại thường bị tai nạn do tiếp xúc môi trường bên ngoài như gãy tay, chân do leo trèo, tai nạn giao thông. Đặc biệt, khi ở lứa tuổi dậy thì (14-15 tuổi), trẻ thường gặp các tai nạn giao thông với những chấn thương rất nặng ở sọ não, ngực bụng, gãy tay chân…
ThS.BS. Nguyễn Đức Long – Trưởng Khoa Cấp cứu, Trung tâm Sản Nhi.
Để hạn chế nguy cơ trẻ nhỏ bị tai nạn thương tích, ThS.BS. Nguyễn Đức Long khuyến cáo các bậc phụ huynh cần phải hết sức quan tâm, chú ý đến trẻ, nhất là trong dịp trẻ được nghỉ học ở nhà để phòng, tránh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay. Tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong môi trường có nước; cần làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp kín những ao hồ không cần thiết; các bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té, ngã; các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn…
Đối với các trẻ nhỏ, hãy đảm bảo trẻ luôn ở trong tầm mắt của mình bởi chỉ cần một phút lơ là có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Đồng thời cũng cần trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để có thể tự bảo vệ được mình trước các nguy cơ tiềm ẩn. Khi không may xảy ra tai nạn, dù là tai nạn nhỏ cũng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, xử trí kịp thời các vết thương, loại trừ các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.