Hàng năm, cuối kỳ tốt nghiệp, hàng trăm ngàn sinh viên của nhiều trường đại học bước vào đợt thực tập. Thực chất đây là một dịp tốt để các em trải nghiệm ngành nghề học của mình trong môi trường thực tế. Tuy nhiên, nhiều sinh viên chỉ xem đó là điều kiện thi tốt nghiệp. Các em làm qua quít, thậm chí chẳng buồn có mặt rồi cuối kỳ xin công ty cho mình một bản nhận xét “khá khẩm”. Ngược lại, nhiều em khác muốn có cơ hội thực tập nghiêm túc nhưng lại không có “quan hệ” để vào được những công ty đúng ngành nghề.
Thực tế cho thấy, nhiều cơ quan, đơn vị không chịu, hoặc “ngại” tiếp nhận sinh viên đến thực tập vì phải sắp xếp chỗ ngồi, trang bị máy móc, cử người hướng dẫn. Một số cơ quan, đơn vị không tiện từ chối - vì người quen thân gửi gắm - nhưng tiếp nhận thực tập rồi lại sắp xếp cho sinh viên thực tập ra “ngồi chơi” ở phòng tiếp tân vì sợ rò rỉ thông tin.
Tất cả những điều này đã khiến cho tình trạng nhiều cử nhân đến tận khi tốt nghiệp ra trường, nhưng vẫn lơ mơ chưa rõ định hướng và cách thức tiến hành công việc thực tế ra sao.
Ở những nước có nền giáo dục phát triển, thực tập rất được coi trọng. Các sinh viên được tạo điều kiện thực tập ngay từ những năm đầu. Nhiều sinh viên sẵn sàng làm việc không lương, thậm chí trả cả những khoản tiền để được cơ hội luyện tập mà những công ty đúng ngành nghề tạo cho.
Việc thực tập sớm, cũng là rút ngắn thời gian sau khóa học, tạo cho các em tác phong làm việc, tạo dựng các mối quan hệ, kể cả được nhận vào làm việc luôn sau khi ra trường. Bởi vậy, nếu trường không theo sát thì tình trạng thực tập ảo vẫn diễn ra, gây mất hình ảnh của nhà trường, mất uy tín của giảng viên, còn sinh viên mất cơ hội học tập kinh nghiệm từ thực tế.
Để tránh tình trạng “thực tập ảo”, một số giảng viên cẩn thận đã yêu cầu sinh viên phải gửi báo cáo về tình hình thực tập hàng tuần, thậm chí còn đích thân tới tận nơi để kiểm tra một số sinh viên có dấu hiệu thực tập “ảo”. Không phải ngành nghề nào, thầy cô cũng làm được điều đó, nhưng nếu có cơ hội và phụ trách hướng dẫn số lượng sinh viên không quá đông thì giảng viên nên có cách quản lý để sinh viên thấy rằng thầy cô luôn dõi theo. Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là ý thức của chính bản thân sinh viên, nếu họ biết đây chính là cơ hội tốt cho công việc, quan hệ và cả nhiều định hướng cho tương lai của mình.
HOÀNG MINH