Nhiều sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh vươn tầm "xuất ngoại"

20-10-2023 15:24 | Thị trường

Sau khi chinh phục thị trường trong nước bằng chất lượng, mẫu mã sản phẩm, nhiều sản phẩm nhiều sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh đã tiếp cận được với các thị trường quốc tế.

Chinh phục thị trường các nước lớn

Thông qua việc kết nối, phối hợp với Bộ Công thương, các sàn thương mại điện tử tổ chức các chương trình livestream quảng bá sản phẩm chủ lực và triển khai hiệu quả mô hình "Gian hàng Việt trực tuyến" đối với sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, nhiều sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh đã mở rộng được thị trường. Nhiều sản phẩm trước đây chỉ được tiêu thụ trong làng, xã nay đã có mặt ở các tỉnh, thành phố trong cả nước thông qua hệ thống siêu thị Big C, Vinmart; sàn thương mại điện tử voso, postmart, sendo, shopee…

Nhiều sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh vươn tầm "xuất ngoại" - Ảnh 1.

Sản phẩm bánh đa vừng Nguyên Lâm được xuất khẩu sang thị trường Nga và Nhật Bản.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, sau gần bốn năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh Hà Tĩnh đã có 237 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó có 11 sản phẩm 4 sao, 226 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm sau khi đạt chuẩn đều được kiểm soát chặt chẽ, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhìn chung các sản phẩm OCOP được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn; các chủ cơ sở đã từng bước nâng cao nhận thức, nhiều cơ sở đã được chỉnh trang nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phát triển sản xuất đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Công tác vệ sinh môi trường; bao bì nhãn mác, quy cách đóng gói ngày càng hoàn thiện, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng; công tác xúc tiến thương mại được chú trọng.

Nhiều sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh vươn tầm "xuất ngoại" - Ảnh 2.

Nước mắm Luận Nghiệp cũng chinh phục thị trường quốc tế.

Đặc biệt, hiện nay, Hà Tĩnh có 6 sản phẩm OCOP 3, 4 sao đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu, gồm Bánh ram Anh Thu (Thạch Hà), bánh ram Nam Chi - xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc; Cu đơ Bà Hường (Hương Sơn) - xuất khẩu sang thị trường New Zealand; Bánh đa vừng Nguyên Lâm (huyện Kỳ Anh) - xuất khẩu sang thị trường Nga và Nhật Bản; Sứa Mai Dung (Thạch Hà) - xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản; Nước mắm Luận Nghiệp (TX Kỳ Anh) - xuất khẩu sang thị trường Nga và đang hoàn thiện hồ sơ xuất sang Úc.

Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các cơ sở OCOP có khả năng phát triển để mở rộng quy mô sản xuất, đạt tiêu chuẩn đủ điều kiện để xuất khẩu. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại trên các nền tảng số, sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ người sản xuất mở rộng, tìm kiếm các thị trường mới có tiềm năng để giới thiệu, bán sản phẩm...

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuyển đổi số

Chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng đang được các chủ thể sản xuất và các cấp, ngành tỉnh Hà Tĩnh tập trung thực hiện nhằm phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.

Theo Sở Công Thương Hà Tĩnh, bên cạnh phát triển về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng được tỉnh Hà Tĩnh chú trọng thực hiện là tăng cường chuyển đổi số. Cùng với đó là tạo tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả trung ương và địa phương... Tổ chức tuần lễ giới thiệu sản phẩm OCOP tại Trung tâm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tạo và hướng dẫn sử dụng các gian hàng để bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như PostMart.vn, Voso.vn, shopee… Đến nay đã có 544 sản phẩm được giới thiệu và bày bán trên sàn thương mại điện tử Hà Tĩnh, trong đó 416 sản phẩm là sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng của Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025. Theo đó, đến năm 2025, có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; tập trung phát triển, nâng hạng các sản phẩm OCOP, phấn đấu có tối thiểu 20% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, 5% số sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao. Trong đó, có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại trên hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, website, facebook, zalo…


PV
Ý kiến của bạn