Nhiều sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, vì sao?

02-10-2015 07:00 | Thời sự

SKĐS - Từ đầu năm 2015 đến hết tháng 9, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã xử phạt tổng số tiền 3,1 tỷ đồng liên quan đến sai phạm ATTP...

Từ đầu năm 2015 đến hết tháng 9, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế đã xử phạt tổng số tiền 3,1 tỷ đồng liên quan đến sai phạm ATTP, trong đó có hơn 2,4 tỷ đồng sai phạm về thực phẩm chức năng (TPCN), gồm quảng cáo quá công dụng sản phẩm, quảng cáo không đúng nội dung được cấp phép, ghi nhãn sai quy định... Tuy nhiên, tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 30/9, lãnh đạo Cục ATTP thừa nhận, con số này chưa phản ánh hết thực tế thị trường TPCN rất sôi động hiện nay. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP xung quanh vấn đề này...

Nhiều sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, vì sao?

TS. Nguyễn Thanh Phong.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn về việc tại sao vi phạm trong quảng cáo TPCN lại chiếm tỷ lệ lớn đến 80% tổng số vi phạm chung về ATTP?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Trong số những vi phạm về TPCN thời gian qua mà cơ quan quản lý phát hiện được, vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất. Có những thời điểm, chủ yếu số lượng doanh nghiệp vi phạm về thực phẩm là vi phạm liên quan tới quảng cáo (như quảng cáo khi chưa có thẩm định của cơ quan y tế, quảng cáo quá nội dung được phê duyệt, ghi nhãn sai quy định).

Bên cạnh đó, hiện nay việc in quảng cáo về TPCN trên tờ rơi hoặc quảng cáo trên các trang web chưa được cấp phép, thậm chí trên các trang mạng xã hội đang là vấn đề rất nhức nhối. Đã có rất nhiều người thông tin đến tôi về việc có một số đối tượng quảng cáo, bán thực phẩm là hàng xách tay, đặc biệt là TPCN. Tôi phải khẳng định lại một lần nữa là, đối với các sản phẩm là hàng xách tay, bán ra thị trường dưới mọi hình thức là vi phạm pháp luật. Bởi, hàng xách tay chỉ được sử dụng với mục đích phục vụ cá nhân.

Trước những sai phạm của thị trường TPCN, từ đầu năm 2015 đến nay, Cục ATTP đã thu hồi 11 giấy xác nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, 5 giấy xác nhận quảng cáo, thu hồi tiêu hủy nhiều loại thực phẩm không đảm bảo ATTP, tạm dừng lưu thông 49 lô sản phẩm thực phẩm, chuyển cơ quan chức năng xử lý 15 trường hợp. Bên cạnh đó, Cục ATTP cũng phối hợp với cơ quan chức năng tiêu hủy 2 sản phẩm thực phẩm và 230kg thực phẩm không đảm bảo ATTP.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân của những sai phạm về quảng cáo TPCN?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Trước hết, phải khẳng định TPCN có vai trò to lớn trong việc dự phòng đối với sức khỏe, tuy nhiên không thần thánh hóa việc TPCN chữa được bách bệnh. Theo quy định, trước khi quảng cáo, nội dung phải được cơ quan chuyên môn thẩm định. Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn bán nhiều sản phẩm thu lợi nhuận nên đã bất chấp sai phạm, cố tình quảng cáo thổi phồng, sai sự thật, “đánh” vào tâm lý của người tiêu dùng là dễ nghe và tin quảng cáo nên đã thổi phồng công dụng của sản phẩm, trong khi trên thực tế, chất lượng của sản phẩm không như quảng cáo. Thực tế này qua công tác thanh, kiểm tra và giám sát hậu kiểm, chúng tôi đã phát hiện ra khá nhiều. Do đó, trong việc ghi nhãn và trong qui định bao bì của sản phẩm TPCN, chúng tôi đã yêu cầu nhà sản xuất, phân phối trên nhãn sản phẩm phải ghi rõ sản phẩm này không phải là thuốc chữa bệnh, không thay thế thuốc chữa bệnh.

Tuy nhiên, về phía cơ quan quản lý, để xảy ra tình trạng này, tôi thừa nhận có trách nhiệm của chúng tôi khi công tác thanh, kiểm tra chưa tiến hành triệt để. Do vậy thời gian tới, Cục ATTP sẽ xử lý nghiêm với hành vi vi phạm như phạt tiền, rút giấy phép, công khai sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông, cơ quan phát hành quảng cáo “siết” quảng cáo TPCN.

Nhiều sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, vì sao?

Thanh tra VSATTP kiểm tra tại một cửa hàng ăn. Ảnh: TM

PV: Thưa ông, không chỉ có sai phạm trong quảng cáo, hiện nay tình trạng TPCN giả, nhái cũng bị cơ quan chức năng phát hiện không ít?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Quy luật chung trên thị trường là khi nhu cầu về sản phẩm nào đó càng lớn, được ưa chuộng thì sẽ xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng để sản xuất hàng giả, hàng nhái. TPCN cũng không nằm ngoài quy luật này. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và cần phải được xử lý nghiêm.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ thị trường TPCN liên tiếp bị phát hiện sai phạm như thời gian qua là do cơ quan quản lý nhà nước về thực phẩm chưa có quy định riêng về điều kiện sản xuất TPCN, quan điểm của ông về vấn đề này?

TS. Nguyễn Thanh Phong: Trong sản xuất thực phẩm, trong đó có TPCN, cơ quan quản lý nhà nước chỉ mới quy định 3 yếu tố về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện con người và trang thiết bị kỹ thuật. Đây là hạn chế không riêng gì của Việt Nam mà trên thế giới cũng chưa có nước nào có quy định riêng về sản xuất TPCN, chỉ có hướng dẫn áp dụng GMP (thực hành sản xuất tốt) trong sản xuất TPCN. Hiện Bộ Y tế đang làm việc với các cơ quan liên quan để ban hành quy chuẩn GMP với sản xuất TPCN ở Việt Nam.

Theo lộ trình, muộn nhất trong năm 2017-2018 Việt Nam sẽ áp dụng tiêu chuẩn này với TPCN.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tại hội nghị, Cục ATTP cho biết, trong 9 tháng đầu năm, toàn quốc có 129 vụ ngộ độc thực phẩm, với 3.600 người người mắc và 20 người tử vong. Trong đó có 28 vụ ngộ độc tập thể. So với các năm trước, năm nay sự cố về ATTP diễn ra nhiều ở khu công nghiệp, do thời tiết nóng ẩm thất thường, bảo quản thực phẩm không đảm bảo. Đặc biệt, 9 tháng đầu năm nay, Hà Nội xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm lớn tại bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp với hàng trăm người nhập viện. Ngoài ra, vấn đề ngộ độc thực phẩm tại gia đình hiện nay vẫn duy trì với hơn 50% số mắc, nguyên nhân là do việc sử dụng thức ăn trong bếp ăn gia đình không đảm bảo, ví dụ như việc sử dụng cóc, cá nóc, ve sầu...

Thái Bình (thực hiện)

 


Ý kiến của bạn