Có khoảng trên 6 triệu người khuyết tật (NKT) hiện đang sinh sống ở vùng nông thôn của Việt Nam. Do phải chịu nhiều kỳ thị, nhiều người khuyết tật thường giấu mình và không tham gia vào hoạt động xã hội, thậm chí ngay cả khi họ có nhu cầu khám, chữa bệnh.
![]() Khám mắt cho đồng bào dân tộc tại Sơn La. |
Tại một cuộc hội thảo mới đây được tổ chức tại Hà Nội nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), nhiều ý kiến tham gia của các bộ, ngành, đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Y tế, Bộ Lao Động TB &XH, Hội đồng Điều phối Quốc gia về Khuyết tật tại Việt Nam (NCCD), Hội Người khuyết tật Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam, đại diện các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Trường Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, các tổ chức quốc tế về PCML tại Việt Nam. Các chuyên gia đã phân tích những rào cản khiến NKT khó tiếp cận với các dịch vụ y tế, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ NKT, thúc đẩy công tác phòng chống mù lòa (PCML) trong cộng đồng.
Rào cản và thách thức
Nhiều đại biểu cho rằng dù đã có Luật người khuyết tật từ hơn một năm nay tuy nhiên sự quan tâm và chuyển hóa bằng những việc làm thiết thực, cụ thể và tầm vóc dành cho người khuyết tật vẫn tồn tại nhiều bất cập, chủ yếu vẫn là những hoạt động nhỏ lẻ, tự phát trong cộng đồng, chưa thành những cuộc vận động lớn... Việc chỉ đạo và quan tâm của Chính phủ và các bộ ngành về kinh phí và cơ chế chính sách trong chăm sóc sức khỏe cũng như trong xây dựng, cải tạo hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng là điều mà người khuyết tật cũng như cộng đồng chờ đợi hiện nay.
![]() Khám mắt cho đối tượng chính sách tại BV Mắt TƯ. |
Một vấn đề cũng được đại diện ngành mắt đề cập đến là: thiếu nhân lực cán bộ mắt, hàng trăm trung tâm y tế huyện không có bác sỹ nhãn khoa, không có khoa mắt, không có trang thiết bị và cơ sở vật chất... tạo nên những “vùng trắng” về dịch vụ nhãn khoa, khiến cho hàng triệu người dân địa phương khó có cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc mắt. Các số liệu thống kê của BV Mắt TƯ cho thấy, toàn quốc có gần 1.200 bác sĩ chuyên khoa mắt (2011) nhưng phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở đô thị, ở các bệnh viện lớn tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, TP.HCM... Mỗi năm đào tạo 160-200 bác sĩ chuyên khoa mắt nhưng số này khi ra trường cũng tập trung ở các đô thị lớn... Trong khi đó tuyến huyện thiếu bác sĩ chuyên khoa mắt nghiêm trọng: 211/ 697 quận, huyện trên toàn quốc có y tá/ bác sỹ chăm sóc mắt (30,3%), như vậy hơn 2/3 quận, huyện không có bác sĩ nhãn khoa (vùng trắng bác sĩ mắt); Tuyến xã mới có 317 huyện (47,5% số huyện) được đào tạo chăm sóc mắt ban đầu... Vấn đề chăm sóc mắt ở cộng đồng nói chung và cho người khuyết tật, người nghèo đang đặt ra những vấn đề quản lý vĩ mô trong ngành y tế, trong ngành mắt bắt đầu từ chính sách đào tạo, cơ chế chính sách cho các cán bộ nhãn khoa ở tuyến cơ sở như huyện, xã, vùng nông thôn và vùng miền núi,... cũng như chính sách hỗ trợ cho các đối tượng đặc biệt trong xã hội: người khuyết tật, người khiếm thị và người nghèo...
Đi tìm giải pháp
Ông Phạm Văn Dung – Giám đốc Bệnh viện Mắt Thanh Hóa nhấn mạnh đến công tác truyền thông trong chăm sóc mắt cộng đồng và cần có những chính sách đặc biệt dành cho người khuyết tật, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của ngành mắt đối với các đoàn thể xã hội và chính quyền các cấp....
![]() Đo nhãn áp cho bệnh nhân tại BV Mắt TƯ. |
Trách nhiệm cộng đồng
Đến thời điểm này, mặc dù Luật NKT đã được ban hành hơn 1 năm nay (1/1/2011), nhưng vẫn chưa đi vào thực tế cuộc sống do chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện. NKT, nhất là những người mù lòa, muốn khám chưa bệnh còn thiếu rất nhiều sự hỗ trợ. Việc chi trả BHYT hiện nay cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh khi mà các ca mổ chỉ được thanh toán 80% đối với bệnh nhân đúng tuyến, 30% đối với bệnh nhân có thẻ vượt tuyến. Nếu không có sự chung tay của cộng đồng, không có những chính sách phù hợp thì NKT, nhất là người nghèo, vẫn rất khó tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Hy vọng với sự quan tâm của các cấp các ngành, mục tiêu đảm bảo tất cả mọi người trong đó có NKT được tiếp cận công bằng với các dịch vụ y tế nói chung, dịch vụ chăm sóc mắt nói riêng, phòng tránh được những bệnh gây mù không đáng bị mù, quyết tâm thực hiện mục tiêu thị giác vào năm 2020: Quyền được nhìn thấy mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.
Đông Phương Hồng