Nhiều quốc gia bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông

17-07-2020 07:51 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 15/7, sau khi Mỹ khẳng định các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông là không có căn cứ pháp lý, nhiều quốc gia khác như: Australia, Nhật Bản, Philippines... cũng đưa ra các động thái ủng hộ tuyên bố mới của Mỹ.

Khi Mỹ mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn, trực diện hơn

Trong tuyên bố được đăng tải ngày 13/7 trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh: “Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, do Bắc Kinh đang thực thi chiến dịch hăm dọa nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên này”. Đây cũng chính là tuyên bố khẳng định lập trường, quan điểm chính thức ở cấp cao nhất của Mỹ đối với vấn đề biển Đông.

Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ Mỹ bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia ở ngoài khơi Malaysia, các vùng biển được coi là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Brunei và đảo Natuna Lớn thuộc quần đảo Natuna ở ngoài khơi Indonesia.

Ông Pompeo nhấn mạnh, bất kỳ hành động nào của Trung Quốc nhằm quấy nhiễu hoạt động đánh bắt cá hay khai thác dầu mỏ của các nước khác tại các vùng biển này, hoặc tiến hành các hành động như vậy một cách đơn phương, đều bất hợp pháp. Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nào để đơn phương áp đặt yêu sách đòi chủ quyền ở biển Đông, không đưa ra cơ sở pháp lý rõ ràng nào cho yêu sách “đường lưỡi bò” ở biển Đông.

Cùng với việc bác bỏ yêu sách chủ quyền cũng như chỉ rõ những hành vi hăm dọc, bắt nạt của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á để đòi chủ quyền phi lý và phi pháp, Ngoại trưởng Mỹ cam kết nỗ lực gìn giữ hòa bình và ổn định, đảm bảo tự do đi lại ở biển Đông theo hướng phù hợp với luật pháp quốc tế, duy trì dòng chảy thương mại không bị cản trở và phản đối mọi âm mưu sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm giải quyết các tranh chấp.

Mỹ cam kết nỗ lực gìn giữ hòa bình trên biển Đông.

Mỹ cam kết nỗ lực gìn giữ hòa bình trên biển Đông.

Liên tiếp các quốc gia đưa ra động thái

Ngày 14/7, Nhật Bản đã công bố Sách trắng quốc phòng 2020, trong đó cảnh báo Trung Quốc đang tiếp tục tìm cách thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông và biển Đông. Cụ thể, Bắc Kinh đang củng cố yêu sách lãnh thổ bằng cách thiết lập các khu quản lý hành chính ở các khu vực tranh chấp. Trung Quốc đã ngang ngược lập cái gọi là quận Tây Sa và quận Nam Sa đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Cùng với việc quân sự hóa các tiền đồn ở các khu vực tranh chấp của tuyến hàng hải chiến lược, Trung Quốc sử dụng các biện pháp phi quân sự như vậy nhằm thay đổi hiện trạng trong khu vực để đưa ra các yêu sách khác, đặc biệt trong bối cảnh các nước đang tập trung ứng phó với đại dịch COVID-19.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Philippines ra tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ quan điểm mới nhất của Mỹ đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Bộ Quốc phòng Philippines hối thúc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA. Tuyên bố nêu rõ, Philippines đồng thuận mạnh mẽ với quan điểm của cộng đồng quốc tế về việc cần phải có một trật tự dựa trên nền tảng luật lệ ở biển Đông.

Một loạt các báo lớn của Australia, ngày 14/7, đưa tin tuyên bố của Mỹ về việc bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông.

TS. Euan Graham, chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Australia lý giải việc tại sao Mỹ phải chờ 4 năm để đưa ra tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài về biển Đông là vì “điều quan trọng là hiểu được những vấn đề đằng sau đó và ủng hộ quan điểm của các quốc gia Đông Nam Á bởi vì quan điểm của họ dựa trên căn cứ pháp luật”.


Hà Anh
Ý kiến của bạn