Nhiều quận ở TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch, sẵn sàng trở lại trạng thái bình thường mới

30-09-2021 09:37 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhiều địa phương ở TP.HCM đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19 như Quận 7, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Phú Nhuận, Thủ Đức... Cùng với phương án đi lại, các doanh nghiệp, chợ cũng đã chờ hoạt động lại gắn với phòng, chống dịch.

Hoạt động lại phải bảo đảm an toàn phòng dịch

Hơn 3 tháng hoạt động cầm chừng, ông Nguyễn Duy Hùng, đại diện một doanh nghiệp ở TP.Thủ Đức cho biết: "Là đơn vị sản xuất hàng may mặc nên khi bùng phát dịch đã bố trí thực hiện "3 tại chỗ", chỉ có 1/3 công nhân được làm việc. Đến nay, dịch bệnh nhiều nơi đã cơ bản được kiểm soát, chỉ chờ thành phố ban hành các quy định mới là đón lao động quay lại sản xuất ngay".

Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu ở quận Tân Phú cũng đã sẵn sàng phục hồi lại trạng thái bình thường mới. Anh Nguyễn Nam, chủ doanh nghiệp tư nhân Thanh Nam chia sẻ: "Chúng tôi là doanh nghiệp nhỏ, sản xuất đồ ăn sẵn, trước đây phát triển rất mạnh. Nhưng từ khi thực hiện giãn cách lại thêm nhiều nhân viên thường xuyên phải cách ly, trong khu phong tỏa, đi lại khó khăn nên gần như dừng hoạt động. Giờ dịch bệnh trên đà kiểm soát tốt, hy vọng sau 30/9, thành phố công bố các quy định mới sẽ phục hồi phát triển lại tốt hơn.

Tăng số quận ở TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch, nhiều cơ sở sẵn sàng phục hồi - Ảnh 2.

Điểm tập kết chợ đầu mối Bình Điền.

Ngoài các doanh nghiệp thì hàng trăm chợ đầu mối, chợ truyền thống ở TP.HCM cũng háo hức chờ đợi ngày hoạt động lại. Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, sau 30/9, nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao vì nhiều lực lượng đã được hoạt động. Sở cũng đang khẩn trương tính toán các phương án kích hoạt lại các chợ trên cơ sở tuân thủ an toàn phòng dịch.

Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, các quận, huyện... tổ chức kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Đánh giá kỹ nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn. Đối với các chợ truyền thống sẽ có kế hoạch và phương án rõ ràng.

Trong bối cảnh dịch bệnh, TP.HCM cũng sẽ tính toán áp dụng thương mại điện tử nhằm giảm thiểu tiếp xúc nhưng vẫn lưu thông thông suốt hàng hóa. Đồng thời phối hợp cùng các hiệp hội tổ chức hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng phương án hoạt động trở lại trên cơ sở đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Tiểu thương cũng phải chủ động phòng dịch

Nhiều tiểu thương từng liên quan đến ổ dịch ở chợ Bình Điền (Quận 8) cho biết: Vừa háo hức chờ đợi được hoạt động trở lại các tiểu thương vừa trang bị cho mình đầy đủ các kiến thức về phòng, chống dịch COVID-19. Các cơ sở cung ứng hàng hóa quanh chợ cũng đều chuẩn bị sẵn các pano hướng dẫn quy định phòng dịch cho người đến giao thương. Tiểu thương Nguyễn Thị Hậu chia sẻ, các cơ sở cung ứng hàng hóa hay sạp hàng đều sẵn sàng chờ ngày hoạt động lại.

Trước đó, sau gần 2 tháng đóng cửa vì có nhiều ca nhiễm COVID-19, ngày 7/9, chợ đầu mối Bình Điền mới chỉ mở lại hoạt động tập kết và trung chuyển. Ban đêm hàng hóa từ các nơi sẽ tập kết về đây, sau đó sẽ được chuyển đi phục vụ các hệ thống bán lẻ, bệnh viện, bếp ăn, bếp từ thiện… Các thỏa thuận về giá cả, số lượng chủ yếu giao dịch qua điện thoại, Zalo. Các hoạt động này sẽ giúp giải quyết sự khan hiếm hàng thực phẩm tươi ngon trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội.

Đơn vị quản lý chợ cho biết, ngoài thực hiện 5K, còn lập Tổ y tế tại chỗ thực hiện test nhanh. Công ty cũng đã xây dựng phương án xử lý khi có trường hợp nhiễm COVID-19, thành lập khu cách ly tạm thời, lập đội phản ứng nhanh theo hướng dẫn của HCDC. Khi các giao dịch diễn ra kết thúc vào 8 giờ sáng thì tiến hành ngay việc vệ sinh, khử khuẩn.

Hoạt động điểm tập kết và Trung chuyển chợ Bình Điền.


Hà Văn Đạo
Ý kiến của bạn