Nhiều quan niệm sai lầm về trẻ tăng động giảm chú ý cha mẹ cần biết để phát hiện

08-05-2019 06:54 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trao đổi thông tin với báo chí chiều 7-5, ThS.BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng Điều trị tâm thần nhi – Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, rối loạn tăng động giảm chú ý là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Đáng lưu ý là có một số sai lầm mà nhiều người “mặc đinh” là đúng và điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát hiện và can thiệp sớm với trẻ tăng động.

Trẻ tăng động giảm chú ý là do bố mẹ không biết dạy con - quan niệm sai lầm

Cũng theo BS. Thiện, tại Việt Nam, trong số 1.320 trẻ được nghiên cứu, tỷ lệ trẻ có vấn đề về chú ý chiếm khoảng 4%.

Về triệu chứng cụ thể của bệnh tăng động giảm chú ý thường gặp như: Thiếu kiên trì trong các hoạt động đòi hỏi  sự tham gia của nhận thức, dễ xúc động . Vận động nhiều, luôn nhấp nhỏm, chạy nhảy, leo trèo, khó khăn trong việc tổ chức sắp xếp công việ,  thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập, thường xuyên quên hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu người khác. Đáng lưu ý phần lớn trẻ vào khám là do thầy cô giáo phát hiện triệu chứng rồi thông báo với gia đình.

Khám bệnh cho bệnh nhi tại Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai

Chỉ ra những hiểu lầm tai hại về tăng động giảm chú ý ở, Bs Thiện cho hay, nhiều người quan niệm rằng trẻ tăng động giảm chú ý chủ yếu là do bố mẹ không quan tâm, không biết dạy con hay phương pháp dạy không đúng. Hoặc khi trẻ có biểu hiện tăng động giảm chú ý, gia đình đặc biệt là các ông bà lại cho rằng một đứa trẻ nghịch mới thông minh vì vậy trẻ nghịch như vậy chứng tỏ trẻ thông minh chứ không phải trẻ mắc bệnh. Ngược lại có người lại cho rằng đứa trẻ bị tăng động giảm chú ý là đứa trẻ kém thông minh, hay tăng động giảm chú ý chỉ gặp ở bé trai không gặp ở bé gái… đều là quan niệm không đúng, trẻ em gái cũng bị tăng động giảm chú ý, có điều tỷ lệ thấp hơn so với nam giới.

Cũng theo Bs. Thiện, rối loạn tăng động giảm chú ý thường khởi phát bệnh sớm từ trước khi trẻ 7 tuổi. Trẻ nam mắc nhiều hơn trẻ nữ.

Bên cạnh đó, Bs Thiện cũng nhấn mạnh, hơn 50% bệnh nhân trẻ em được chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ tiếp tục có những biểu hiện triệu chứng trong suốt thời kỳ thanh thiếu niên và hơn một nửa có những suy giảm chức năng xã hội ở tuổi trưởng thành. Theo đó, câu hỏi đặt ra là bệnh tăng động giảm chú ý có phải  là bênh chỉ gặp ở trẻ  không. Câu trả lời là không.

“Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 4-5% người trưởng thành khoảng 30 tuổi cũng bị rối loạn này. Thực tế tại bệnh viện, chúng tôi tiếp nhận điều trị cho một số trẻ bị tăng động giảm chú ý, qua hỏi bệnh phát hiện bố cháu bé cũng có triệu chứng bệnh.”, BS. Thiện chia sẻ.

Điều trị tăng động giảm chú ý không quá phức tạp, người bệnh chỉ cần tuân thủ đúng

Lý giải về nguyên nhân của bệnh tăng động giảm chú ý , PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai cho hay, có nhiếu nguyên nhân và cơ chế gây nên rối loạn tăng động  giảm chú ý ở trẻ như di truyền, biến đổi chất dẫn truyền thần kinh,  yếu tố tổn thương não, thai sản, vai trò của môi trường sống. Vì thế việc phát hiện sớm, điều trị sớm, can thiệp đúng cách có vai trò quan trọng trong cải thiện hồi phục chức năng cho trẻ mắc bệnh.

PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, BV Bạch Mai  (người ngồi giữa)

Bởi theo các bác sĩ, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý sẽ đối diện với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc cũng như các kỹ năng xã hội của trẻ. Đặc biệt, trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có nguy cơ cao hơn mắc kết hợp các rối loạn tâm thân khác, tăng nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, hành vi phạm tội cũng như tai nạn so với trẻ bình thường.

PGS. Tuấn cũng cho biết thêm, điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý không quá phức tạp, hầu hết bệnh nhi được điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, cần phải lưu ý bệnh tăng động giảm chủ ý là một loại bệnh mãn tính  vì vậy cần điều trị lâu dài không thể một vài ngày hay một tháng, một năm.. Quan trọng nhất là  bệnh nhân tuân thủ điều trị và theo dõi thường xuyên, tái khám định kỳ.  Bởi thực tế lý do bệnh nhân bỏ điều trị hiện nay khá phổ biến đó là do chủ quan, thấy bệnh ổn rồi thì thôi không điều trị nữa. Mặt khác, điều trị bệnh khác với việc uống thuốc, điều trị bệnh này không có nghĩa là phải uống thuốc mới là điều trị mà còn phải điều trị cả liệu pháp tâm lý nữa đây là đặc thù trong  chuyên ngành tâm thần

Thời gian khuyến cáo càng điều trị dài thì càng tốt,trên thực tế tại Viện Sức khỏe tâm thần hiện có những bệnh nhân đã điều trị 8 năm, bệnh nhân vào điều trị lúc 8 tuổi đến nay bệnh nhân đã 16 tuổi.

 

 

 


H.Nguyên
Ý kiến của bạn