Đây là thông tin được chia sẻ tại Hội thảo giới thiệu và triển khai mô hình mang tên: “Tăng cường năng lực y tế công (Public Sector Strengthening) trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình” được tổ chức tại Đà Nẵng sáng 10/5 do Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Văn phòng tổ chức phi chính phủ Marie Stopes International tại Việt Nam (MSV) tổ chức.
Hội thảo Tăng cường năng lực y tế công trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình
Tham dự hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch Hóa Gia đình Nguyễn Văn Tân, và bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng Đại diện Tổ chức phi chính phủ Marie Stopes tại Việt Nam, ông Trần Tất Thắng, Giám đốc Trung tâm sức khỏe sinh sản cộng đồng và đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Chi Cục Dân số của 17 tỉnh tham gia chương trình.
Tư vấn các biện pháp tránh thai cho người dân.
Theo khảo sát, rất nhiều phụ nữ tại các vùng nông thôn có nhu cầu sử dụng biện pháp tránh thai nhưng chưa được đáp ứng. Bên cạnh đó các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng tại tuyến xã còn rất hạn chế, cụ thể: 42,3% trạm y tế không thường xuyên thực hiện dịch vụ đặt vòng, 23% người cung cấp dịch vụ tuyến xã gặp khó khăn khi đặt dụng cụ tử cung do chưa được tập huấn đầy đủ, không đủ trang thiết bị, hoặc ít thực hiện, cơ cấu sử dụng phương tiện tránh thai chưa đa dạng, Ngân sách quốc gia cho kế hoạch hóa gia đình hàng năm liên tục giảm và chậm giải ngân, Chính phủ có chủ trương chuyển dịch mạnh mẽ từ bao cấp sang xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hoá gia đình.
Việc thiếu hụt các phương tiện tránh thai trong Chương trình DS-KHHGĐ có thể dẫn tới tăng số phụ nữ mang thai hay sinh con ngoài ý muốn, tăng số ca phá thai hay tăng dân số, nhất là vùng có mức sinh cao và chưa ổn định. Tình trạng này sẽ tạo ra gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội đồng thời tạo áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội của Việt Nam.
Một trong những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt là khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, các nhà tài trợ quốc tế chuyển trọng tâm hỗ trợ sang lĩnh vực khác hoặc quốc gia khác, đến nay chưa có nhà tài trợ quốc tế nào cam kết nguồn vốn ODA để hỗ trợ phương tiện tránh thai để cấp “miễn phí” như trước đây. Tỉ lệ dân cư có nhu cầu về phương tiện tránh thai chưa được đáp ứng còn khá cao, với 11,2% trong nhóm phụ nữ đã kết hôn, 22,7% trong nhóm phụ nữ chưa kết hôn, và khoảng 34,3% trong nhóm vị thành niên/thanh niên. Ước tính nhu cầu ngân sách cho chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016-2020, Việt Nam cần khoảng 8.913 tỷ đồng (392 triệu USD) trong đó dự kiến chi hoạt động DS-KHHGĐ là rất hạn chế, chỉ bằng 46% kinh phí cho giai đoạn 2011-2015.
Trong bối cảnh nói trên, mô hình Tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ KHHGĐ tại y tế công tuyến cơ sở do Marie Stopes International đề xuất, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ kĩ thuật hứa hẹn mang lại giải pháp thực tế, khả thi nhằm gia tăng sự sẵn có, thúc đẩy tiếp cận, nâng cao chất lượng của các dịch vụ KHHGĐ thiết yếu tại y tế tuyến cơ sở; và từ đó tạo ra các tác động quan trọng về sức khỏe cho phụ nữ và gia đình của họ. Bên cạnh đó, mô hình Tăng cường Năng lực Cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại Y tế công tuyến cơ sở sẽ hỗ trợ thử nghiệm phương thức thu phí dịch vụ, góp phần từng bước giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đảm bảo người nghèo, cận nghèo và người thuộc diện chính sách sẽ được nhận dịch vụ miễn phí, trong khi những người có khả năng chi trả sẽ có trách nhiệm chi trả toàn phần hoặc một phần phí dịch vụ. Cách tiếp cận này sẽ giúp gia tăng được nguồn tài chính để tái đầu tư cho các hoạt động cung cấp dịch vụ KHHGĐ tại tuyến xã.
Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch Hóa Gia đình Nguyễn Văn Tân cho rằng: “Cách tiếp cận chú trọng tăng cường năng lực của y tế tuyến cơ sở trong việc cung ứng các dịch vụ y tế dự phòng bao gồm kế hoạch hóa gia đình hoàn toàn phù hơp với chiến lược Tài chính y tế giai đoạn 2017-2025 của Bộ Y tế Việt Nam.”
Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Trưởng đại diện của tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam, “Mô hình tăng cường năng lực cung ứng dịch vụ KHHGĐ tại y tế công tuyến cơ sở sẽ hỗ trợ tích cực cho việc hoàn thành các mục tiêu về dân số và phát triển của Việt Nam trong những năm tới. Đặc biệt cách tiếp cận chú trọng đầu tư vào trạm y tế xã sẽ giúp cho các dịch vụ KHHGĐ thiết yếu được sẵn có một cách bền vững tại tuyến gần dân nhất, từ đó góp phần giảm chi phí tiếp cận dịch vụ cho người dân và giảm tải cho y tế tuyến trên. Mô hình này cũng đồng thời chú trọng tập huấn nâng cao năng lực cho người cung ứng dịch vụ, tăng cường năng lực quản lí các chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình của địa phương, và thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa các dịch vụ y tế dự phòng của chính phủ Việt Nam”.
Nằm trong kế hoạch kéo dài từ năm 2015 - 2020 nhằm cải thiện sức khỏe sinh sản phụ nữ vùng nông thôn, MSV cam kết 5 triệu đô la Mỹ, tương đương 105 tỉ đồng Việt Nam và Tổng Cục Dân số- KHHGĐ cam kết đối ứng tối thiểu 50% hoặc hơn cho việc thực hiện chương trình.