Nhiều phụ nữ bị rối loạn chức năng sàn chậu không được điều trị

13-05-2023 15:15 | Y tế

SKĐS - Theo các nghiên cứu, nhóm bệnh lý sàn chậu chiếm khoảng 30% dân số. Đặc biệt, tỷ lệ nữ mắc bệnh sa tạng chậu và rối loạn chức năng sàn chậu đi kèm khá phổ biến. Tuy nhiên, sự quan tâm của nhân viên y tế và người bệnh về vấn đề chẩn đoán và điều trị nhóm bệnh này còn hạn chế.

1. Vai trò của sàn chậu

Sàn chậu là tổng thể của 3 hệ thống: Hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo), hệ thống niệu dưới (bàng quang, niệu đạo), hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn). Sàn chậu còn chứa nhiều hệ thống mạch máu và thần kinh, được hình thành từ nhiều khối cân và cơ đan xen nhau. Khối cân và cơ này bám chắc vào phía trước là thành bụng và xương mu, hai bên là xương chậu hông, phía sau là cột sống thắt lưng xuống đến xương chậu cùng cụt.

Nhiệm vụ của sàn chậu là giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, khi vận động chạy nhảy. Ngoài ra nó còn có vai trò đóng mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đi tiêu và tiểu theo ý muốn, hoạt động tình dục, giúp quá trình sinh nở của phụ nữ dễ dàng hơn.

2. Gần 50% phụ nữ bị ảnh hưởng chức năng sàn chậu

Nhiều phụ nữ bị rối loạn chức năng sàn chậu không được điều trị - Ảnh 1.

Các hệ thống của sàn chậu.

Theo thống kê của Bệnh Viện Từ Dũ, có khoảng 1/3 phụ nữ mang thai và sinh đẻ sẽ bị són tiểu, gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu; 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu, trong đó 20% người bị sa từ hai cơ quan trở lên (sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng).

Nguyên nhân của rối loạn chức năng sàn chậu và sa cơ quan vùng chậu là do mang thai, thói quen xấu, suy yếu sức cơ theo tuổi. Đặc biệt là phụ nữ do ảnh hưởng của quá trình mang thai, sinh nở khiến chức năng của vùng sàn chậu bị ảnh hưởng nặng nề. Tỉ lệ mắc các rối loạn sàn chậu ở nữ giới gấp 4 lần nam giới.

Khi sàn chậu bị ảnh hưởng có thể tác động tới:

- Đường tiểu: Khi bị rối loạn chức năng sàn chậu, sẽ có các biểu hiện: Són tiểu khi ho, khi chạy nhảy hoặc mang vật nặng; không nín tiểu được theo ý muốn khi mắc tiểu; tiểu đêm trên 1 lần; tăng hay giảm cảm giác mắc tiểu, tiểu lắt nhắt trên 8 lần/ngày, tiểu khó phải rặn; cảm giác đi tiểu không hết.

- Đường tiêu: Són hơi, són phân khi ho, hắt hơi hay chạy nhảy; không giữ được theo ý muốn khi xì hơi hoặc mắc đi tiêu; táo bón kéo dài, đi tiêu khó phải dùng thuốc bơm trực tràng hoặc thuốc uống.

- Đường sinh dục: Sa tử cung; sa bàng quang; sa trực tràng, ruột.

- Rối loạn tình dục: Giao hợp đau; giảm cảm giác; cảm giác cửa mình rộng; đau vùng chậu mãn tính; đau vùng thắt lưng chậu; đau vùng bụng dưới, vùng cửa mình...

Bệnh lý vùng sàn chậu ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống người bệnh, gây thiếu tự tin, thậm chí có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, do sa trễ sinh dục ảnh hưởng đến quá trình quan hệ vợ chồng. Bệnh lý sàn chậu ở phụ nữ sẽ dễ khắc phục hơn nếu được quan tâm, khám và điều trị từ sớm.

Nhiều phụ nữ bị rối loạn chức năng sàn chậu không được điều trị - Ảnh 1.

Ban chấp hành Hội Sàn chậu học Việt Nam.

Tại Hội nghị khoa học chào mừng thành lập Hội Sàn chậu học Việt Nam diễn ra ngày 13/5/2023, TS.BS. Nguyễn Trung Vinh - Chủ tịch Hội Sàn chậu học Việt Nam cho biết: Mặc dù bệnh lý về sàn chậu rất phổ biến, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh, nhưng lại chưa được quan tâm đúng mức.

Tại các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn nghèo, rất nhiều phụ nữ mắc sa sinh dục, tiểu són, táo bón, sa trĩ… không có điều kiện để đi khám và điều trị bệnh lý này. Vì thế họ chấp nhận sống chung suốt đời, với chất lượng sống bị ảnh hưởng nặng nề. Hội sàn chậu học ra đời với mong muốn được tiếp tục đào tạo đội ngũ bác sĩ có chuyên môn sâu về lĩnh vực này trên khắp toàn quốc để hỗ trợ bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo ít có cơ hội tiếp xúc với y tế chuyên sâu...

Trên thế giới, từ năm 1996, các hội chuyên khoa về niệu dục và sàn chậu học châu Âu, châu Úc, Trung Cận Đông… đã được thành lập. Năm 2008, Hội sàn chậu học Thế giới được thành lập tại Venice Italia. Ở Việt Nam, năm 2009, Hội Sàn chậu học TP. Hồ Chí Minh đã được thành lập, nhưng ngày 12/5/2023, Hội Sàn chậu học Việt Nam mới được ra đời, tổ chức tại Bệnh viện TWQĐ 108.

Tại Hội nghị lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2023-2028 đã tập hợp các cán bộ chuyên ngành ngoại chung, tiết niệu, phụ khoa, hậu môn trực tràng nhằm đưa chuyên ngành sàn chậu phát triển theo kịp đà tiến bộ của nền y học thế giới. Hơn nữa, việc thành lập Hội Sàn chậu học Việt Nam sẽ tạo điều kiện đào tạo đội ngũ bác sĩ chuyên môn sâu, mang lại cơ hội cho phụ nữ ở vùng nghèo khó.

Tại Hội nghị khoa học chào mừng thành lập Hội Sàn chậu học Việt Nam, có 18 báo cáo khoa học nhằm cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới, phương pháp mới và các ứng dụng thành công trong điều trị các bệnh lý sàn chậu học.

Các giáo sư, bác sĩ đến từ các bệnh viện đầu ngành trên toàn quốc đã thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc chẩn đoán, đánh giá kết quả điều trị, chiến lược phẫu thuật điều trị.... Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng điều trị, mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho người bệnh.

Mời độc giả xem thêm video:

Ca phẫu thuật sàn chậu truyền hình trực tiếp tại Hà Nội.

Nguyễn Hà
Ý kiến của bạn