Nhiều nước cấm biên, kéo dài giãn cách xã hội chống biến thể COVID-19

01-02-2021 09:23 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sự xuất hiện của các biến thể COVID-19 mới khiến nhiều quốc gia phải khóa chặt biên giới cũng như cho triển khai những biện pháp mạnh tay dập dịch.

Ngày 31/1, nhà chức trách Australia tuyên bố phong tỏa Perth, thành phố đông dân thứ tư tại nước này, sau khi một nhân viên an ninh bảo vệ khách sạn dùng làm nơi cách ly kiểm dịch có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, chấm dứt khoảng thời gian dài nhất trong 10 tháng qua, quốc gia này không ghi nhận thêm ca bệnh nào.

Chú thích ảnhXét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc

Lệnh phong toả có hiệu lực từ tối 31/1 và kéo dài đến hết ngày 5/2. Theo đó, khoảng 2 triệu cư dân của thành phố thủ phủ Perth sẽ không được phép rời khỏi nhà ngoại trừ trường hợp làm các công việc thiết yếu, chăm sóc y tế, đi mua nhu yếu phẩm hay tập thể dục. Việc thăm viếng người nhà ở viện dưỡng lão và bệnh viện đều bị cấm. Mọi nhà hàng, quán cà phê và rạp chiếu phim trong thành phố cũng như các khu vực xung quanh đều phải tạm thời đóng cửa. Các trường học phải hoãn cho học sinh trở lại lớp một tuần sau kỳ nghỉ hè.

Trong khi đó, Bắc Kinh thông báo tạm thời cấm nhập cảnh đối với mọi công dân nước ngoài đến từ Canada, ngay cả khi họ đang có giấy phép cư trú ở đại lục còn hiệu lực. Lệnh cấm được miễn trừ đối với những trường hợp có hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ. Còn Canada cũng đang áp hạn chế đi lại xuyên biên giới vì lo ngại nguy cơ lây lan mầm bệnh nguy hiểm. Mọi công dân Canada đi nghỉ dưỡng trở về từ Mỹ bằng đường bộ được yêu cầu phải xuất trình giấy tờ chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính mới được hồi hương.

Chính phủ Myanmar thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch, kể cả việc đình chỉ các chuyến bay thương mại quốc tế và giới hạn nhập cảnh đối với mọi du khách đến cuối tháng 2/2021. Theo kế hoạch ban đầu, những biện pháp này dự kiến hết hiệu lực vào ngày 31/1.

Để ứng phó với diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun thông báo, chính phủ nước này quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần nữa cho đến hết kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Kể từ ngày 8/12/2020, Hàn Quốc đã áp dụng giãn cách xã hội cấp độ 2,5, mức cao thứ hai trong thang bậc 5 cấp, ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. Các lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên đã được áp dụng hầu như trên toàn quốc. Hàn Quốc sẽ triển khai tiêm vắc xin ngừa virus corona chủng mới của hãng dược Mỹ Pfizer cho 60 nghìn người sớm nhất vào giữa tháng 2/2021 và vắc xin của hãng dược Anh AstraZeneca cho 2,19 triệu người trong nửa đầu năm nay.

Hiện Israel cân nhắc gia hạn thời gian phong tỏa trên toàn quốc thêm một tuần nữa, trong bối cảnh nước này đã tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho hơn 3 triệu người, đạt tỉ lệ 32.2% trong tổng 9,4 triệu dân kể từ khi chiến dịch chủng ngừa bắt đầu ngày 20/12 năm ngoái.

Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zweli Mkhize, ngày 31/1, cho biết nước này đã đạt thỏa thuận đặt mua thêm 20 triệu liều vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer. Hiện nước này đang đợi phía nhà sản xuất cung cấp các văn bản thỏa thuận cuối cùng với chi tiết về lịch trình bàn giao và số lượng cụ thể. Như vậy, tổng số liều vắc xin COVID-19 mà Nam Phi đã đặt mua thành công là hơn 40 triệu liều. Dự kiến lô vắc xin đầu tiên (khoảng 1 triệu liều) sẽ được bàn giao cho Nam Phi vào đầu tháng 2/2021. Đây là vắc xin của AstraZeneca do Viện Serum Ấn Độ sản xuất, dự kiến sẽ được tiêm cho đối tượng ưu tiên là các nhân viên y tế.


Hà Anh
Ý kiến của bạn