Thông tin này được PGS. TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết tại hội nghị gặp gỡ công tác viên báo chí tại TP.HCM và sơ kết công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, diễn ra ngày 9/11. Theo Cục trưởng Thanh Phong, hàng trăm giấy phép bị thu hồi đặc biệt là vi phạm quảng cáo, nhất là sản phẩm trên các trang web, mạng xã hội, bán hàng online.
Theo Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, nhiều sản phẩm trong nhóm cần đăng ký dù chưa được cấp phép, công bố vẫn quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
Mặc dù theo quy định của Nghị định 15/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp được quyền tự công bố sản phẩm đối với 90% nhóm sản phẩm hàng hoá. Đến 90% sản phẩm thực phẩm không cần đăng ký nội dung quảng cáo, nhưng vẫn còn 10% các sản phẩm có nguy cơ cao như sản phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp cần đăng ký và tiền kiểm.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Thanh Phong, nhiều sản phẩm trong nhóm cần đăng ký dù chưa được cấp phép công bố vẫn quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội.
Thực tế, việc mở trang web khá dễ dàng, bất cứ cá nhân nào cũng có thể đăng ký mở web để bán hàng online. Nhiều trường hợp, sản phẩm rõ ràng là của công ty, nhưng khi mời đại diện công ty lên làm việc, họ không thừa nhận trang web có quảng cáo sản phẩm đó là của họ, vì cá nhân đứng tên.
“Ngành y tế không thể xử lý được người đứng tên trang web, mà chỉ có thể xử lý trên những sản phẩm sai phạm đang được kinh doanh trên mạng, kinh doanh online. Trong đó, không ít sản phẩm được quảng cáo bởi những nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, mà chưa biết rõ bản chất sản phẩm hay hiệu quả không tới mức như quảng cáo,” Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.
Đối với các trang web có nội dung vi phạm như vậy, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) đã chuyển qua cho Bộ Thông tin - Truyền thông xử lý.
Những vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau sau khi xử lý bảo đảm đúng pháp luật, Cục An toàn Thực phẩm sẽ công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thông tin để lựa chọn sản phẩm an toàn.
- Người dân không nên uống cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong; không lạm dụng rượu bia trong ngày lễ, tết; không uống rượu ngâm với lá và rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hoặc ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.
- Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không được công bố tiêu chuẩn chất lượng
- Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị
- Trẻ em dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia
Trong những ca tử vong vì ngộ độc thực phẩm vừa qua, 15 trường hợp tử vong (đến tháng 10/2018) và 24 (cùng kỳ năm 2017), hầu hết là do ngộ độc rượu và nấm độc.