Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm tới 27/10, cả nước có khoảng 200.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó 50 trường hợp thiệt mạng. Đáng chú ý, số người mắc tới nay cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Ghi nhận 63 tỉnh/thành phố đều có trường hợp mắc bệnh. Các trường hợp người chết chủ yếu xảy ra tại các tỉnh miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên.
Tại TP.HCM, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố hiện chưa có dấu hiệu giảm. Trong 9 tháng đầu năm, có hơn 48.400 ca bệnh, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tháng 9, thành phố có hơn 8.000 ca mắc, trong đó có 9 trường hợp tử vong gồm 2 trẻ em và 7 người lớn.
Các bác sĩ cho biết, với bệnh sốt xuất huyết, lúc hạ sốt lại là thời điểm bệnh dễ bị nặng nhất. Do đó, nhiều người chủ quan không đi khám khiến tình trạng bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Người có cơ địa đặc biệt hoặc bị tiểu đường, huyết áp, thừa cân béo phì khi sốt xuất huyết dễ diễn tiến nặng, nhiều biến chứng dẫn đến suy đa phủ tạng, tử vong. Phụ nữ có thai mắc sốt xuất huyết dễ dẫn đến sinh non. Chính vì thế, không chỉ tập trung cao độ trong phòng tránh sốt xuất huyết ở trẻ em, ngay cả người lớn cũng cần hết sức cẩn thận, không được chủ quan trước bệnh dịch chưa có dấu hiệu suy giảm này.
Tại Hà Nội, tính đến hết tháng 9, toàn thành phố ghi nhận 5.305 trường hợp mắc SXH, chưa ghi nhận tử vong. Bệnh nhân có ở 465/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 79%). Một số quận, huyện có nhiều bệnh nhân mắc như Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thường Tín, Thanh Trì, Hoàng Mai, Thanh Oai, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm.
Phun thuốc diệt muỗi để phòng sốt xuất huyết.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội dự báo những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn thành phố sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, thất thường, số mắc có thể tăng cao do đúng vào chu kỳ của đỉnh dịch vào tháng 10 và 11. “Điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, mật độ dân cư cao, một số khu vực thiếu nước sạch, người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt; nhiều khu vực bãi đất trống, tiếp giáp, xen kẹt, khu nhà chưa có người tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản và phát triển”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cảnh báo.
Cần chủ động phòng tránh bệnh sốt xuất huyết
Theo Cục Y tế dự phòng, Việt Nam nằm trong khu vực trung tâm có dịch sốt xuất huyết. Đặc biệt là Philippines, tại quốc gia này, ghi nhận hiện tại có tới 400.000 ca mắc dịch và gần 2.000 người chết.
Tuy vậy, nhưng nhiều người hiện vẫn rất chủ quan, thờ ơ với bệnh có thể lây nhiễm nhưng dễ phòng ngày. Theo các chuyên gia, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết từ nay tới cuối năm có thể biến biến phức tạp. Do vậy, người dân không nên chủ quan. Cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêu diệt ổ bọ gậy bằng cách phát quang bụi rậm, đậy kín các thiết bị chứa nước hay phun thuốc diệt muỗi…
Diệt bọ gậy muỗi ở ngoài nhà, phải lấp đất, đá và cát rồi san phẳng các vũng nước nhỏ. Ở những nơi có nhiều vũng nước trong mùa mưa, có thể xử lý nhanh bằng cách phun hoặc rải hóa chất diệt bọ gậy muỗi thích hợp sẽ cho kết quả tốt hơn.
Cần dọn sạch rác rưởi ở ngoài nhà để xử lý qua hệ thống rác thải của địa phương, cũng có thể dùng rác để lấp những chỗ trũng lớn đọng nước và phủ đất nén chặt lên trên để tránh ruồi và muỗi sinh sản. Lốp xe cũ cần đậy lại để ngăn nước mưa lọt vào hoặc khoan lỗ để nước không đọng lại bên trong, cũng có thể đổ đất vào trong lốp xe để trồng cây hoặc đổ hóa chất hay dầu vào nước đọng lại trong lốp xe cũ để diệt bọ gậy muỗi. Những vật dụng không dùng đến như xe cũ, tủ lạnh, máy giặt... cũng có thể trở thành các điểm sinh sản của muỗi; vì vậy không nên để ngoài trời cho nước mưa đọng lại.
Ngoài ra, khi có biểu hiện mắc bệnh cần tới cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể tránh chủ quan, dẫn đến những biến chứng nặng.