Nhiều người trẻ sống khổ vì thoát vị đĩa đệm

16-08-2023 17:39 | Camera bệnh viện

SKĐS - Đau nhức chân kéo dài, tê bì tay chân và không thể đứng lên đi được khiến chị Nguyễn Hoàng Yến, 29 tuổi (ngụ ở TP Thủ Đức) phải nhập viện khám.

Chia sẻ với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, chị Hoàng Yến cho hay, cách đây 6 tháng, chị thường xuyên bị tê và đau nhức vùng lưng, đùi, mông rồi lan rộng xuống dưới gối khiến chị không nhấc nổi chân. Ban đầu, chị Yến cảm thấy đau âm ỉ nhưng càng về sau cơn đau dồn dập và dữ dội hơn. Mỗi lần đau vậy, chị Yến phải dùng thuốc giảm đau để kiểm soát tình hình. Gần đây, các cơn đau và co rút ngày càng nhiều khiến chị Yến gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đau không thể ăn ngủ, chơi đùa với con, nhất là buổi sáng dậy.

Nhiều người trẻ sống khổ vì thoát vị đĩa đệm - Ảnh 1.

Hình ảnh chụp MRI của chị Nguyễn Hoàng Yến, 29 tuổi cho thấy bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Ảnh: NVCC

Sau khi thăm khám tại Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM), kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy, chị Yến bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng L4-5, trung tâm lệch phải nên bị đau từ lưng, mông đến mặt ngoài đùi, cẳng chân đến ngón cái.

"Thật sự bệnh thoát vị đĩa đệm gây đau đớn và khó khăn trong sinh hoạt, mỗi lần đau, tôi đi chỉ được một chút xíu rồi lại phải nghỉ để sau đó mới có thể đi lại tiếp được", chị Yến kể.

Tương tự chị Yến, anh Huỳnh Nguyễn Anh Khoa, 38 tuổi, (quận Gò Vấp) cũng bị đau cột sống, thoát vị đĩa đệm, phải nhập viện điều trị.

"Tôi cảm thấy rất hoang mang, thường nằm trên giường hít thở và làm các việc khác để làm sao mình không phải phân tâm vào nỗi sợ không đi được", anh Khoa chia sẻ.

Nhiều người trẻ sống khổ vì thoát vị đĩa đệm - Ảnh 2.

BSCKII Hồ Nhựt Tâm đang thăm khám cho bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Ảnh: K.V

Ghi nhận tại Đơn vị Cột sống của Bệnh viện Trưng Vương cho thấy, thời gian gần đây ghi nhận người đến khám và điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm ngày càng gia tăng, đặc biệt có nhiều ca thoát vị đĩa đệm nghiêm trọng. Tính trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị đã tiếp nhận 500 người đến thăm khám và điều trị.

BSCKII Hồ Nhựt Tâm - Chủ tịch Liên chi Hội Cột sống TPHCM, Trưởng đơn vị cột sống, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM cho biết, chị Nguyễn Hoàng Yến không phải là trường hợp hiếm điều trị thoát vị đĩa đệm khi dưới 30 tuổi. Bệnh thoát vị đĩa đệm không chỉ xuất hiện ở người lớn tuổi mà còn ngày càng phổ biến ở người trẻ. Các nghiên cứu về bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng trên thế giới cho hay, tỷ lệ mắc bệnh ở những người dưới 30 tuổi lên tới 6,8% và tỷ lệ này đang tăng lên hàng năm.

Cũng theo bác sĩ Hồ Nhựt Tâm, theo thời gian, đĩa đệm trong cột sống thắt lưng có thể trở nên mất đàn hồi do sự mất nước và các quá trình lão hóa. Điều này làm cho đĩa đệm dễ bị nứt hoặc thoát vị khi có áp lực đè lên. Các hoạt động vận động cường độ cao như nâng vật nặng hoặc uốn cong cột sống thường xuyên, có thể tạo ra áp lực lên đĩa đệm, gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

Ngoài ra yếu tố di truyền có thể làm cho đĩa đệm yếu hoặc mất đàn hồi, tăng khả năng xảy ra thoát vị. Cùng đó là lối sống hiện đại, quá bận bịu, ít vận động cũng có thể làm yếu cơ bắp và hệ thống cơ tương quan, gây ra áp lực thêm lên đĩa đệm. Đôi khi tai nạn giao thông hay tai nạn thể thao hoặc các chấn thương nặng khác có thể gây ra tổn thương trực tiếp đến đĩa đệm hoặc các va chạm và chấn thương có thể làm hỏng cấu trúc của đĩa và tạo điều kiện cho thoát vị xảy ra.

Thực tế cho thấy, thoát vị đĩa đệm thường hiếm xảy ra ở độ tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, nếu có, nó thường liên quan đến các vấn đề di truyền hoặc chấn thương nặng.

Tuy nhiên, ở người trưởng thành (18 - 65 tuổi) là thời kỳ mà nguy cơ thoát vị đĩa đệm tăng lên do tác động của lão hóa, tình trạng lối sống và hoạt động thể chất. Những người có lối sống ít vận động, làm việc trong vị trí ngồi lâu dài, hoặc thực hiện các hoạt động có áp lực lên cột sống thắt lưng có thể tăng nguy cơ thoát vị.

Tùy tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể đưa ra điều trị thoát vị đĩa đệm không phẫu thuật (bằng thuốc giảm đau và chống viêm, phong bế thần kinh, vật lý trị liệu). Trong một số trường hợp nghiêm trọng, khi triệu chứng không thể kiểm soát bằng cách nội khoa, bệnh nhân phải can thiệp phẫu thuật.

Nghiên cứu trên thế giới cho thấy, kết quả của phương pháp điều trị phẫu thuật và không phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là tương đương nhau. Hơn nữa, người trẻ tuổi được báo cáo là một yếu tố nguy cơ tái phát thoát vị đĩa đệm, "cho nên cần cân nhắc chọn lựa phương pháp điều trị bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng giữa điều trị bảo tồn hay phẫu thuật", bác sĩ Tâm nói.

Nhiều người trẻ sống khổ vì thoát vị đĩa đệm - Ảnh 4.

Một số động tác thể dục duỗi nhẹ nhàng cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm. Ảnh: BSCC

Trước thực tế ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh thoái hóa đĩa đệm khiến gây khó khăn trong sinh hoạt, BS.CK2 Hồ Nhựt Tâm đưa ra một số khuyến cáo phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng:

1. Duy trì lối sống lành mạnh

- Vận động thường xuyên: Tham gia vào các hoạt động vận động như bơi lội, đi bộ, tập thể dục định kỳ có thể giữ cho cơ bắp và cột sống linh hoạt, giảm nguy cơ thoát vị đĩa đệm.

- Tập thể dục phù hợp: Tập thể dục để tăng cường cơ bắp tức thì và giãn cơ có thể giảm áp lực lên đĩa đệm và tăng khả năng chịu đựng.

2. Duy trì vị trí đúng khi làm việc

- Ngồi đúng cách: Ngồi thẳng, với lưng tự nhiên và hỗ trợ lưng dưới bằng gối hoặc tựa lưng.

- Đứng đúng tư thế: Giữ thăng bằng trọng tâm cơ thể, đừng cúi người quá nhiều.

3. Quản lý tình trạng cơ thể

- Giữ cân nặng cơ thể hợp lý: Giảm cân nếu cần thiết để giảm áp lực lên cột sống.

- Tăng cường cơ bắp cốt lõi: Các bài tập tập trung vào cơ bắp bụng và lưng giúp tăng cường sức mạnh và hỗ trợ cột sống.

4. Thói quen sinh hoạt

- Kỹ thuật nâng đồ: Nâng đồ từ đùi chứ không phải từ lưng, sử dụng chân và cơ bắp đùi để hỗ trợ.

- Tạo môi trường làm việc tốt: Đảm bảo bàn làm việc, ghế ngồi và màn hình máy tính đều được đặt sao cho không gây căng thẳng cho lưng.

Nhiều người trẻ sống khổ vì thoát vị đĩa đệm - Ảnh 5.

Hình ảnh hướng dẫn nâng vật nặng đúng tư thế, phòng ngừa đau lưng và thoát vị đĩa đệm cột sống. Ảnh: BSCC

5. Ngủ đủ và đúng tư thế

- Chọn tư thế ngủ thoải mái, thường là nằm sấp hoặc nằm nghiêng với gối chỗ dưới cánh tay.

- Hạn chế thời gian ngồi và đứng lâu. Thay đổi tư thế thường xuyên. Đứng lên và di chuyển sau mỗi khoảng thời gian ngồi lâu từ 30 phút đến 1 giờ.

6. Quản lý stress

- Stress có thể gây căng cơ và góp phần vào vấn đề thoát vị đĩa đệm. Học cách quản lý stress qua yoga (tránh các động tác ảnh hưởng lên cột sống), thiền và thể dục giúp giảm nguy cơ.

"Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa thoát vị đĩa đệm là một quá trình và cần kiên trì. Trước khi thay đổi lối sống hoặc bắt đầu bất kỳ chế độ tập thể dục nào, bạn nên thảo luận với bác sĩ chuyên khoa cột sống để đảm bảo rằng phương pháp này phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn", bác sĩ Hồ Nhựt Tâm khuyến cáo.

Biểu hiện của thoát vị đĩa đệm, cách điều trị hiệu quảBiểu hiện của thoát vị đĩa đệm, cách điều trị hiệu quả

SKĐS - Thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị sớm sẽ gây ra những biến chứng nặng nề. Địa chỉ nào khám, chữa thoát vị đĩa đệm uy tín tại Hà Nội?


Kim Vân
Ý kiến của bạn