Có bệnh nhân chỉ mới 12 tuổi đã bị đột quỵ
Theo Tổ chức Đột quỵ Hoa Kỳ năm 2019, số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây. Khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ mỗi năm có độ tuổi từ 18 đến 50.
Ở Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Trong năm 2020, Khoa Đột quỵ não thuộc Viện Thần kinh - Bệnh viện 108 tiếp nhận nhiều trường hợp độ tuổi thanh thiếu niên bị đột quỵ não, trong đó có bệnh nhân chỉ mới 12 tuổi.
BS Phạm Văn Cường, Khoa Đột quỵ não, cho biết gần đây đơn vị tiếp nhận bệnh nhân nam mới 26 tuổi. 3 ngày trước khi nhập viện, nam thanh niên liên tục đau đầu, buồn nôn, chóng mặt. Dù vào viện tỉnh, không liệt, không yếu chân tay, nhưng kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy bị nhồi máu tiểu não trái, hẹp 40% V4 trái, 70% P1 trái.
Đáng nói, bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp. Gia đình không ai đột quỵ não. Đến viện khi đã ngày thứ 3 khởi phát triệu chứng đầu tiên, bệnh nhân bỏ qua thời gian vàng trong điều trị đột quỵ, theo nhận định của bác sĩ.
Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 29 tuổi chuyển tuyến trong tình trạng ý thức chậm, liệt hoàn toàn nửa người phải. Kết quả chụp phim cắt lớp vi tính não và mạch não cho thấy chị bị chảy máu não vùng thái dương, tràn máu vào trong não thất, mạch máu não không phát hiện tổn thương nhưng có dị dạng thông động tĩnh mạch não.
Tương tự ca bệnh nam giới trên, nữ bệnh nhân này không có tiền sử bệnh lý tăng huyết áp và rối loạn chức năng đông máu.
Vì sao người trẻ bị đột quỵ?
BS chuyên ngành đột quỵ não Phạm Văn Cường của Bệnh viện 108 cho biết có rất nhiều nguyên nhân chủ yếu khiến người trẻ tuổi mắc đột quỵ não bao gồm: Bệnh lý dị dạng mạch máu não, hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, bệnh béo phì và lười vận động, đái tháo đường và tăng huyết áp, uống rượu bia…
Trong đó, dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu tuy nhiên chưa có biện pháp nào thực sự hiệu quả để dự phòng dị dạng mạch não. Sự phát triển bất thường của mạch máu não có thể gây nên những túi phình – với thành mạch máu mỏng, là nguyên nhân có thể gây xuất huyết não.
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến - Phó Viện trưởng Viện Thần kinh, Bệnh viện 108 - cho hay vỡ phình mạch máu não là một trong những nguyên nhân tử vong ở người trẻ tuổi. Theo vị chuyên gia, dù Việt Nam chưa có số liệu chính thức nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tồn tại phình mạch não có thể tới 5% dân số, có thể gặp bất kỳ lứa tuổi nào kể cả tuổi còn rất trẻ và hay gặp hơn ở tuổi trung niên.
Phình mạch não là một vị trí phình lồi ra của mạch máu, thành mạch mỏng manh rất dễ vỡ. Điều nguy hiểm là phần lớn bệnh nhân phình mạch không có triệu chứng cho đến khi bị vỡ gây chảy máu não. Bệnh phát triển thầm lặng, có thể giết chết bệnh nhân bất cứ lúc nào khi phình mạch vỡ, kể cả người khoẻ mạnh. "Tuy nhiên, nhờ khoa học hiện đại chúng ta có thể phát hiện và loại trừ phình mạch trước khi nó vỡ gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của bản thân" - TS Tuyến cho biết.
Ngoài hút thuốc lá, rối loạn chuyển hóa cũng là nguyên nhân gây ra đột quỵ. Có khoảng từ 50-60% bệnh nhân nhồi máu não trẻ tuổi có rối loạn chuyển hóa mỡ máu, nam nhiều hơn nữ. 30% bệnh nhân trẻ bị đột quỵ não mắc đái tháo đường, tỷ lệ này với tăng huyết áp là 10%.
Một nguyên nhân quan trọng khác là thói quen sinh hoạt, trong đó có ăn uống và vận động. Theo đó, ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn sẽ dễ đối diện với các bệnh lý mạch máu lớn và nhỏ sớm hơn, dẫn tới bệnh lý đột quỵ, tim mạch. Uống rượu bia nhiều, đặc biệt rượu nặng, có liên quan chặt chẽ đến sự tăng lên của bệnh lý chảy máu não ở bệnh nhân trẻ tuổi.
Béo phì, lười vận động đang là nguyên nhân được nhiều nhà khoa học đặt ra. Các nghiên cứu tại Hoa Kỳ cho thấy khoảng 10% các bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có thừa cân (chỉ số khối cơ thể BMI >30).