Hà Nội

Nhiều người lo lắng điện thoại ‘cục gạch’ không hợp chuẩn sẽ bị cắt sóng

29-02-2024 14:44 | Xã hội
google news

SKĐS – Trước thông tin từ ngày 1/3/2024, các máy điện thoại di động 2G không có chứng nhận hợp quy sẽ không được phép kết nối vào mạng di động khiến nhiều người đang sử dụng loại điện thoại này lo lắng.

Ngày 23/2, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ra thông báo yêu cầu kể từ ngày 1/3/2024, các doanh nghiệp di động (MobiFone, VinaPhone, Viettel, Vietnamobile,...) không cho phép nhập mạng mới đối với các điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G mà không thuộc danh sách các máy điện thoại 2G được chứng nhận hợp quy do Cục Viễn thông - Bộ TT&TT công bố. Việc này khiến nhiều người lo lắng vì cho rằng họ sẽ không được dùng chiếc điện thoại "cục gạch" quen thuộc nữa.

Ông Nguyễn Đình Sỹ (64 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) gần đây mới được con gái mua cho chiếc điện thoại thông minh nhưng ông nhất quyết không sử dụng vì thấy "cồng kềnh". Ông Sỹ cho biết, bản thân đã quen với việc sử dụng điện thoại "cục gạch" bao năm nay nên không muốn chuyển sang dùng loại điện thoại khác.

C:\Users\Administrator\Desktop\dien-thoai-2g.png

Bà Phạm Thị Loan (75 tuổi, Văn Yên, Yên Bái) lo lắng sẽ phải bỏ chiếc điện thoại đã quen sử dụng. Ảnh: Quỳnh Mai.

"Bình thường đi đâu là cứ để điện thoại vào túi quần là xong, điện thoại loại mới to lắm, cầm ở tay bất tiện, sử dụng lại khó. Tôi thấy chỉ hợp với người trẻ chứ ở tuổi tôi thì không thích mấy cái điện thoại thông minh đấy", ông Sỹ chia sẻ.

Giống với ông Sỹ, bà Phạm Thị Loan (75 tuổi, Văn Yên, Yên Bái) nói: "Bây giờ mà không cho sử dụng điện thoại "cục gạch" nữa thì khó quá, phải bắt buộc chuyển sang dùng điện thoại thông minh thì lại tốn một khoản tiền mua điện thoại. Tôi lại chỉ thích dùng điện thoại nhỏ nhỏ như thế này thôi, bao lâu nay dùng quen rồi, không muốn thay đổi".

Tương tự, bà Lương Thị Hằng (60 tuổi, Than Uyên, Lai Châu) nhiều năm nay vẫn chỉ quen dùng điện thoại 2G. Bà băn khoăn không biết chiếc điện thoại mình đang dùng có nằm trong danh sách được phép sử dụng tiếp hay không.

"Khi biết đến thông tin này tôi khá là lo lắng vì không biết điện thoại của mình có được dùng tiếp hay không vì tôi được người khác mua cho từ lâu rồi. Điện thoại "cục gạch" rất tiện lợi trong việc nghe gọi, lưu số, lại nhỏ gọn đễ mang đi, nhất là tránh được trường hợp bị mất vì giá rẻ. Trộm cướp chỉ thích loại đắt tiền thôi chứ trị giá mấy trăm nghìn đồng nó không muốn lấy, mà chẳng may có mất cũng đỡ tiếc", bà Hằng chia sẻ.

Cũng nói về vấn đề này, anh Nguyễn Thanh An (45 tuổi), một chủ cửa hàng mua bán điện thoại Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, việc cắt sóng các điện thoại chỉ hỗ trợ công nghệ 2G không chỉ ảnh hưởng tới khá nhiều khách hàng, nhất là với những người cao tuổi mà còn gây khó khăn cho người kinh doanh điện thoại.

Theo anh An, điện thoại 2G giá rẻ chỉ khoảng từ 300.000-400.000 đồng được nhiều người lao động lựa chọn vì dễ sử dụng, nhỏ gọn, lại vừa tiền. Nếu bây giờ bị cắt sóng, sẽ phải mua điện thoại khác với giá đắt hơn, có khi đến vài triệu đồng thì sẽ gây khó khăn cho khách hàng.

"Không phải ai cũng có tiền để mà mua điện thoại đến mấy triệu đồng, lại bất tiện trong việc sử dụng và bảo quản. Mà hiện nay, những dòng điện thoại 2G hầu như được được lắp ráp từ các linh kiện rời, nên khả năng bị cấm sử dụng là khá lớn", anh An cho hay.

Liên quan đến việc điện thoại 2G không phù hợp quy chuẩn hoà mạng, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết, khi người dân đi mua một SIM hòa mạng mới từ ngày 1/3, nếu điện thoại đang sử dụng là điện thoại 2G, không được cấp giấy chứng nhận hợp quy, họ sẽ bị từ chối nhập mạng. Còn với những máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ 2G đã lưu hành ở Việt Nam từ lâu và có chứng nhận hợp quy, người dùng vẫn có thể lắp SIM mới để hòa mạng bình thường.

Theo Cục Viễn thông, hiện có khoảng 15 triệu thuê bao đang dùng 2G, tỷ lệ lớn khách hàng đang dùng 2G là người già, người đang sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Sáng 28/2: Bất ngờ động thái mới của Giám đốc Trung tâm GDĐB bị tố ăn chặn tiền nhân viên. 


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn