Thời gian gần đây, mạng xã hội chia sẻ thông tin một khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) từ năm 2013 và phát sinh dư nợ 8.554.625 đồng. Đến 30/10/2023, ngân hàng đã gửi thông báo về khoản nợ quá hạn toàn bộ đối với khoản vay này với tổng số tiền phải thanh toán là 8.838.869.549 đồng, trong đó nợ lãi là 8.830.314.924 đồng.
Ngay sau khi thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người không khỏi "sốc" trước số tiền lãi mà khách hàng này phải trả.
Từ trường hợp trên, không ít người dân trên các diễn đàn mạng xã hội khuyên nhau nên kiểm tra nợ phát sinh tại thẻ tín dụng, hủy thẻ tín dụng, hạn chế mở hoặc sử dụng thẻ tín dụng.
Đồng thời, nhiều người nhắc nhau kiểm tra tình trạng nợ xấu ngay cả khi không sử dụng thẻ tín dụng trong một thời gian dài. Bởi không ít người sở hữu cùng lúc đến 3, 4 thẻ tín dụng, do đó việc kiểm soát tài khoản không thể thường xuyên, nhất là trong trường hợp không dùng liên tục.
Anh Duy Phương (tại Hà Nội) chia sẻ trên mạng xã hội: "Sau vụ nợ phí quản lý tài khoản Eximbank thì tôi đã gọi hết các ngân hàng từng mở từ năm 2008 tới giờ để kiểm tra. Cuối cùng là nợ ngân hàng Đông Á 600.000 đồng phí thường niên thẻ từ năm 2012 và nợ ngân hàng Eximbank 1,6 triệu phí duy trì tài khoản. Qua đó tôi khuyên mọi người nên gọi trực tiếp lên tổng đài từng ngân hàng để kiểm tra cho chắc chắn".
Tương tự, chị Thu Hiền (tại Hà Nội) chia sẻ với Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, một vài năm trước, có một số nhân viên ngân hàng nhờ xin thông tin của chị để mở các thẻ tín dụng với mục đích hoàn thành chỉ tiêu được giao. Do cả nể, chị đồng ý làm thẻ tín dụng. Từ đó, chị không quan tâm đến những chiếc thẻ này nữa, cũng không bao giờ để ý kiểm tra email, điện thoại hay kiểm tra tài khoản.
"Sau vụ việc xảy ra ở Eximbank, tôi đã gọi điện lên ngân hàng kiểm tra, kết quả là bị mất 700.000 đồng phí thường niên thẻ, ngay sau đó tôi đã trả phí và ngừng sử dụng dịch vụ thẻ tín dụng, tránh phiền toái về sau này", chị Hiền nói.
Tại nhiều bài viết trong các hội nhóm trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng vụ việc ở Eximbank là hy hữu, tuy nhiên ai cũng có thể rơi vào trường hợp đó. Vì vậy, cách tốt nhất là nên kiểm tra tài khoản ngân hàng của bản thân để đề phòng bất trắc, kiểm soát được nợ xấu.
Cách kiểm tra dư nợ, nợ xấu
Theo anh Minh Vũ (nhân viên ngân hàng tại Hà Nội) cho biết, có rất nhiều cách để kiểm tra dư nợ như gọi điện trực tiếp qua tổng đài ngân hàng, hay đơn giản nhất đó là tra cứu tại cổng thông tin của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).
CIC được viết tắt của cụm từ Credit Information Center, là website của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam. Mọi thông tin về khoản vay, tên người vay, tổ chức vay, quá trình thanh toán tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng đều có trên CIC.
Để tránh gặp phải trường hợp trên, người dùng có thể tự mình kiểm tra nợ xấu online, kiểm tra điểm tín dụng cá nhân (Credit Score). Từ đó, kiểm tra bản thân có đang vướng nợ xấu hay không, người có nhu cầu có thể áp dụng một trong 2 cách nhanh nhất.
Cách đầu tiên là truy cập trang web của hệ thống CIC tại địa chỉ cic.gov.vn để đăng ký thông tin. Cách thứ hai, bạn chỉ cần tải app CIC trên ứng dụng điện thoại trên cả hai nền tảng IOS và Android rồi tra cứu. Đây là hai cách tra cứu đơn giản mà ai cũng có thể làm được.
"Đặc biệt người dân cần lưu ý trong bản báo cáo tín dụng cần lưu ý đến mục Mức độ rủi ro để đối chiếu thông tin xem mình có bị ghi nhận nợ xấu hay không?", anh Vũ thông tin.
Để xóa nợ xấu và cải thiện điểm tín dụng, người dân cần thanh toán đầy đủ và đúng hạn các khoản nợ hiện tại, tránh tạo thêm nợ mới mà khả năng tài chính không cho phép. Có thể mất một thời gian để lịch sử tín dụng được cải thiện sau khi đã thanh toán nợ.
Xem thêm video được quan tâm:
Vụ chủ thẻ tín dụng bị đòi 8,8 tỷ sau 11 năm nợ 8,5 Triệu: Ngân hàng Nhà nước chính thức lên tiếng.