Sau 3 năm vất vả tìm kinh phí và 1 năm sản xuất, phim Mùi cỏ cháy đã được hoàn thành. Vừa ra mắt, Mùi cỏ cháy đã trở thành một hiện tượng điện ảnh gây được tiếng vang trong dư luận, gây xúc động lớn cho khán giả và được giới điện ảnh đánh giá cao.
PV báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Hữu Mười xung quanh bộ phim này.
PV:Xin chúc mừng anh về thành công của bộ phim. Được biết, trước đó, một số đạo diễn có tên tuổi đã được nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm nhắm tới để gửi gắm kịch bản Mùi cỏ cháy. Vậy cơ duyên nào đã đưa anh đến với bộ phim này?
![]() Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười. |
ĐD Nguyễn Hữu Mười
: Đầu tháng 7/2009, tôi được hãng gọi lên giao kịch bản Mùi cỏ cháy và yêu cầu sau khi đọc trả lời có nhận làm không. Sau nửa tháng suy nghĩ, tôi lên gặp giám đốc trả lời tôi đồng ý làm phim này. Nhưng nhiều người cho rằng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ vì 10 năm tôi qua không làm phim nhựa, thậm chí Cục Điện ảnh cũng không muốn để tôi làm nữa mà muốn giao cho đạo diễn khác giàu kinh nghiệm làm phim chiến tranh hơn. Giám đốc Hãng phim truyện VN phải dẫn tôi lên Cục Điện ảnh để tôi hứa trước Cục là sẽ làm được. Lúc đó họ mới đồng ý để tôi làm và tôi mới bắt tay vào đọc tư liệu về 81 ngày đêm giữ Thành cổ Quảng Trị để viết kịch bản phân cảnh.
PV:Được biết nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã bỏ rất nhiều tâm trí và công sức để có đủ kinh phí thực hiện những cảnh tâm đắc trong kịch bản Mùi cỏ cháy. Xin anh cho biết, cuối cùng bộ phim đã được sản xuất với kinh phí bao nhiêu?
ĐD Nguyễn Hữu Mười: Lúc tôi nhận thì được biết mới chỉ có 4 tỷ. Khi hoàn thành phân cảnh vào năm 2010 thì hãng lại xin thêm được 1tỷ 200 triệu nữa. Vậy là kinh phí sản xuất phim là 5tỷ 200 triệu, trừ thuế thì còn lại 5 tỷ để làm phim.
PV: Bộ phim đã có một lối kể chuyện giàu tính tượng trưng, ước lệ, bảng lảng, nên thơ. Phải chăng, cách thể hiện đó là do các anh liệu cơm gắp mắm cho bộ phim hoàn thành với kinh phí “hẻo”, hay đó là do ý đồ đạo diễn? Nếu có kinh phí nhiều hơn, liệu cách kể chuyện có khác đi?
ĐD Nguyễn Hữu Mười: Nếu kinh phí nhiều hơn thì tôi vẫn kể theo cách đó thôi, nhưng các bối cảnh chiến tranh sẽ làm kỹ hơn, quy mô khốc liệt hơn. Khi tôi bắt đầu quay thì hãng chỉ cho làm âm thanh mono. Tiền cho âm nhạc chỉ đủ thuê một dàn nhạc khoảng 3- 4 nhạc công. Cũng may đoàn phim được mấy bác cựu chiến binh đi vận động xin tài trợ nên mới đủ tiền để làm âm thanh nổi với cả dàn nhạc giao hưởng thể hiện nhạc phim.
PV:Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm đã thể hiện rõ hồn thơ của mình qua một số bài thơ trong phim. Có cảm giác rằng đạo diễn đã biết tiết chế, sử dụng vừa đủ “đô” những bài thơ của nhà biên kịch, nếu thêm hoặc thiếu một bài nữa, bộ phim sẽ biến thành một phim thơ, giống phim ca nhạc vậy. Vậy anh có lần nào phải mặc cả, năn nỉ:“Thôi, xin Cầm, thơ chỉ thế thôi”?
![]() Một cảnh trong phim Mùi cỏ cháy. |
ĐD Nguyễn Hữu Mười
: Rất may là trong kịch bản văn học hoàn toàn không có bài thơ nào, anh Cầm sợ đưa thơ mình vào thì không được khiêm tốn, tự đề cao mình. Nhưng khi viết phân cảnh, tôi quyết định phải đưa thơ vào, tôi chọn cả ba bài của anh Cầm cho ba trường đoạn mà tôi thấy hợp. Khi anh Cầm đọc phân cảnh, tôi không thấy anh Cầm kêu ca gì cả, còn khen: “Ông đưa thế là đủ đô cho phim”. Còn bài thơ của Thanh Thảo thì tôi nhờ anh Cầm tìm hộ.
PV: Một số cảnh biên kịch Hoàng Nhuận Cầm tâm đắc đã không được thể hiện trên phim hoặc thể hiện khác đi, không như kịch bản, thay đổi đó là do đạo diễn hay do thiếu điều kiện sản xuất? Đã có khi nào đạo diễn và biên kịch tranh cãi nảy lửa trên hiện trường vì sự cắt xén hay thay đổi kịch bản chưa?
ĐD Nguyễn Hữu Mười: Đúng là do thiếu kinh phí nên không làm được hết. Khi tôi đưa kịch bản phân cảnh cho anh Cầm đọc thì ngay hôm sau, anh gọi tôi đi uống bia, bắt tôi uống liền hai cốc, sau đó anh nắm tay tôi rất chặt và nói: “Hãy cố thể hiện đúng như phân cảnh nhé! Tôi hoàn toàn tôn trọng đạo diễn”. Thực ra, trong phân cảnh, tôi viết rất kỹ trường đoạn đoàn tàu chở quân qua Hà Nội ném thư xuống. Anh Cầm rất thích, nhưng khi đi tìm hiểu để tổ chức quay thì thấy không thể tổ chức nổi ở nội thành như kịch bản. Tôi bảo anh Cầm là phải bỏ phương án này thôi. Anh Cầm tiếc đứt ruột, uống liền một mạch hai cốc bia rồi lại nắm chặt tay tôi nói: Hoàn toàn tôn trọng đạo diễn. Và bắt tôi trả tiền bia (cười).
PV: Xin cảm ơn anh!
Diệu Yến (thực hiện)