Hà Nội

Nhiều người không phải sống “vô hình” trong xã hội

30-11-2015 07:34 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 24/11, Quốc hội chính thức thông qua Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó cho phép xác định lại giới tính.

Ngày 24/11, Quốc hội chính thức thông qua Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trong đó cho phép xác định lại giới tính. Trao đổi với phóng viên (PV) báo Sức khỏe&Đời sống, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là 1 trong 30 quốc gia thừa nhận và cho phép phẫu thuật chuyển giới. Đây là điều rất quan trọng thể hiện sự đối xử bình đẳng, nhân văn của Pháp luật Việt Nam.

Ông Nguyễn Huy Quang.

PV: Xin ông cho biết việc phẫu thuật xác định lại giới tính và phẫu thuật chuyển giới tính là như thế nào? Hiện nay ở Việt Nam đã thực hiện được kỹ thuật chuyển đổi giới tính hay chưa?

Ông Nguyễn Huy Quang: Ở đây cần nhìn nhận 2 vấn đề. Vấn đề xác định lại giới tính được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định rõ, những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác thì lúc đó sẽ xác định lại giới tính bằng cách can thiệp y học. Bộ luật Dân sự mới được thông qua cho phép những người đã hoàn thiện về giới tính (mặt cơ thể) nhưng trong tư tưởng, hành vi của họ lại có sự mong muốn ngược lại được sống thật với giới tính của người đó.

Về kỹ thuật, các cơ sở ngoại khoa cũng như nội khoa hoàn toàn đủ khả năng thực hiện được các cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Phẫu thuật nam thành nữ hoặc nữ thành nam và điều chỉnh hormon tăng trưởng của nữ, hormon tăng trưởng của nam.

Việc thông qua này có ý nghĩa rằng pháp luật thừa nhận người có nhu cầu chuyển đổi giới tính về tất cả các mặt pháp lý cũng như quyền lợi của họ theo giới tính mới. Trong giấy chứng minh nhân dân, giấy khai sinh, tất cả các giấy tờ có liên quan tới giới tính của họ cũng được pháp luật cho phép chuyển đổi.

Pháp luật cũng thừa nhận những quyền của họ khi tham gia các hoạt động dân sự, trong đó có những sinh hoạt riêng của nam và nữ.

PV: Thưa ông, hiện nay, sau khi Quốc hội đã thông qua, người chuyển giới đã được thực hiện phẫu thuật ngay và hưởng những quyền lợi của mình hay chưa?

Ông Nguyễn Huy Quang: Bộ luật Dân sự hiện nay mới có quy định, khẳng định và thừa nhận những người chuyển đổi giới tính, nhưng để thực hiện được thì cần phải có một đạo luật riêng và được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật về chuyển đổi giới tính. Hiện nay, chúng ta mới thừa nhận quyền nhưng thực thi quyền thì phải chờ luật.

Tháng 7/2016 tới, Quốc hội khóa XIV sẽ họp bàn về chương trình xây dựng pháp luật. Chắc chắn, sẽ đề xuất xây dựng Luật về chuyển đổi giới tính, bởi nếu không làm sớm luật này thì quyền chuyển đổi giới tính quy định trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vẫn sẽ là... quyền treo. Hy vọng trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tới thì đạo luật này có thể thông qua. Lúc đó mới có cơ sở pháp lý để người có nhu cầu chuyển đổi giới tính thực hiện các biện pháp phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

PV: Hiện tượng những thanh niên, thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ về hệ lụy của việc chuyển giới, đôi khi chỉ chuyển giới theo phong trào. Vậy để ngăn chặn tình trạng này, pháp luật có dự định đưa ra những phương pháp nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Quang: Phía luật pháp cũng đã đề ra một số việc cần phải làm trong dự thảo luật lần này. Trước tiên, cần cho người muốn chuyển đổi giới sống thử với giới tính của họ mong muốn chuyển. Ví dụ như một người có cơ thể là nam nhưng muốn chuyển đổi giới tính thành nữ thì cần cho họ ăn mặc như nữ, sống, sinh hoạt như nữ (từ sở thích hay hành vi đi vệ sinh...). Nữ chuyển thành nam thì cho họ làm những việc nặng như nam. Quá trình thử thách này trong vòng từ 1 tới 2 năm để họ cảm thấy thoải mái được chuyển đổi giới tính. Và sau đó, y học mới can thiệp.

Trong suốt quá trình can thiệp phải có sự sử dụng hormon và hormon đó phải có đăng ký lưu hành, bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ. Mỗi người sẽ có một phác đồ riêng điều trị dưới sự giám sát của các thầy thuốc, các nhân viên y tế có kỹ năng, trình độ và chứng chỉ hành nghề hợp pháp.

Sau khi thực hiện xong, ngành y tế sẽ cấp giấy chứng nhận những người này đã chuyển đổi giới tính. Từ giấy chứng nhận này, người chuyển đổi giới tính được thay đổi giấy khai sinh, thay đổi CMND và các giấy tờ nhân sự khác.

PV: Đã có bao nhiêu nước cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Quang: Đến năm 2014, trên thế giới có hơn 30 quốc gia đã thừa nhận và cho phép phẫu thuật chuyển giới đối với người chuyển giới. Châu Á có 5 quốc gia, bao gồm: Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Thái Lan. Nếu Việt Nam thừa nhận thì sẽ là quốc gia thứ 6 ở châu Á và là quốc gia thứ 2 ở Đông Nam Á.

Thái Lan và Iran được coi là các trung tâm thực hiện chuyển đổi giới tính lớn nhất thế giới. Hiện tại, chính phủ Iran chi trả 50% chi phí cho các trường hợp phẫu thuật chuyển giới. Tại Thái Lan hàng năm còn diễn ra các cuộc thi sắc đẹp quy mô dành cho người chuyển giới như Miss Tiffany’s Universe.

PV: Xin cảm ơn ông!


Thanh Loan (thực hiện)
Ý kiến của bạn