Nhiều người hoang mang đưa con đi xét nghiệm

02-10-2008 09:36 | Thời sự
google news

Những thông tin về sữa nhiễm melamin gây tử vong và sỏi thận khiến liên tục trong những ngày qua, đường dây nóng của báo SK&ĐS luôn nhận được phản ánh về những hoang mang, lo sợ của các bậc phụ huynh không biết con mình có uống phải một trong các loại sữa nhiễm melamin không.

Những thông tin về sữa nhiễm melamin gây tử vong và sỏi thận khiến liên tục trong những ngày qua, đường dây nóng của báo SK&ĐS luôn nhận được phản ánh về những hoang mang, lo sợ của các bậc phụ huynh không biết con mình có uống phải một trong các loại sữa nhiễm melamin không. Đôi khi sự lo lắng này có thể dẫn đến những hành động thái quá như tẩy chay sữa hoặc đưa trẻ đi khám khi không có các biểu hiện nhiễm độc melamin.

“Mua” sự yên tâm

Tại lối vào Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương vốn đã chật chội nay lại càng thêm "bức bối" vì gương mặt lo lắng đến phờ phạc của các ông bố bà mẹ trước những thông tin sữa nhiễm melamin. Chị Vũ Thị Hải, ở Ba Đình, Hà Nội tâm sự: "Cháu nhà tôi mới được hơn một tuổi nhưng vì mẹ ít sữa nên phải dùng sữa ngoài nhiều. Nghe thông tin về tác hại của sữa có melamin gây sạn thận cho trẻ, cả nhà tôi đều lo lắng. Cháu nhà tôi lại đang bị tiêu chảy, tôi cho cháu đi khám, tiện thể hỏi các bác sĩ xem có phải cháu bị phản ứng gì với sữa hay không". Không ít bà mẹ dù con vẫn đang khỏe mạnh bình thường vẫn cảm thấy lo lắng, bất an vì "biết đâu cái chất độc melamin kia có trong người con mình rồi nhưng chưa đủ để phát ra thành bệnh". Có người còn nằng nặc xin các bác sĩ làm xét nghiệm cho con xem "cháu có bị sạn thận" hay không.

 Nhiều bậc phụ huynh rất lo lắng đưa con đi khám khi có thông tin sữa có chất melamin.
 
TS. Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện nhi trên toàn quốc trong quá trình khám, chữa bệnh cần tập trung khai thác tiền sử sử dụng các sản phẩm sữa, phát hiện các bệnh nhi có dấu hiệu (nếu có) mắc các bệnh do sử dụng sữa nhiễm melamin. Tuy nhiên theo Bộ Y tế, đến thời điểm này chưa phát hiện trường hợp nào bị sỏi thận do dùng sữa. TS. Hải cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng dẫn đến việc "ồ ạt" đưa con đến bệnh viện khám vừa mất thời gian, vừa tốn tiền bạc vô ích. Việc xét nghiệm máu để tìm xem trẻ có nhiễm melamin hay không không đem lại kết quả vì có thể chất melamin đã không còn lưu hành trong máu nhưng đã gây tổn thương các cơ quan của cơ thể như thận, bàng quang. Khi trẻ có biểu hiện các bệnh liên quan đến đường tiết niệu, sỏi thận hay sỏi bàng quang, các bác sĩ khám sẽ khai thác tiền sử sử dụng sữa của trẻ để đưa ra những chẩn đoán và phác đồ điều trị kịp thời. Liên quan đến vấn đề này, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: nếu người dân đã mua phải sản phẩm có melamin hoặc nghi ngờ có melamin có thể mang đến Sở Y tế Hà Nội tại số 4 Ông Ích Khiêm (quận Ba Đình, Hà Nội) để gửi thu hồi và kiểm tra.

Cơ bản kiểm soát được tình hình nhập khẩu và lưu hành các loại sữa thuộc danh mục khuyến cáo

Ngày 1/10, theo tin từ Bộ Y tế, hiện tại, đã có kết quả 299 mẫu sữa và sản phẩm liên quan đến sữa được xét nghiệm chất melamin, trong đó có 7 sản phẩm sữa nhiễm melamine (5 mẫu sữa Yili và 1 mẫu kem bột của Công ty Lựa chọn đỉnh Khu công nghiệp Tây Bắc - Củ Chi được nhập từ Trung Quốc, 01 sản phẩm có chứa melamin là sữa bột hiệu Gold của Công ty CP dinh dưỡng thực phẩm vàng (Golden Food) ở địa chỉ 166/46A2, Thích Quảng Đức, phường 4, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh).

Cũng đến thời điểm này, ngành y tế và các ngành chức năng đã cơ bản kiểm soát được tình hình nhập khẩu và lưu hành các loại sữa thuộc danh mục khuyến cáo không nên sử dụng. Nhiều loại sữa phát hiện có chất melanin đã được thu hồi để tiêu hủy; các loại sữa cần xét nghiệm đã được đình chỉ lưu hành, niêm phong để kiểm nghiệm, công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh.

Hiện cả nước có 4 labo đủ khả năng xét nghiệm xác định chất melamin: Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường - Chất lượng 3, Trung tâm Xét nghiệm thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM và Viện Vệ sinh - Y tế công cộng TP.HCM.

Bộ Y tế cũng vừa có khuyến cáo người tiêu dùng, không phải tất cả các sản phẩm sữa đang lưu thông trên thị trường Việt Nam (gồm sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu) đều có nguy cơ chứa chất melamin. Các sản phẩm sữa khi mua sử dụng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...

Nhóm PVTS


Ý kiến của bạn