Hà Nội

Nhiều người dân chưa được sử dụng nước sạch

29-10-2020 20:11 | Thời sự
google news

SKĐS - TS Đào Trọng Tứ- Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, hiện 20% người dân chưa được sử dụng nước sạch, 17,2 triệu người vẫn sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế. Đã đến lúc cần phải quan tâm hơn nữa đến tài nguyên nước, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn nước vì sự phát triển bền vững.

Ngày 29-10, tại Hà Nội, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo thường niên các tổ chức xã hội 2020 với chủ đề: “An ninh nước vì sự phát triển bền vững Việt Nam”.

TS Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA cho rằng, trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực nước, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các tổ chức xã hội đã có nhiều đóng góp quan trọng như: Đóng góp ý kiến cho các Luật và các dự thảo Luật: Luật bảo vệ môi trường, Luật thuế môi trường, Luật thủy sản, Luật bảo vệ phát triển rừng, luật lâm nghiệp, đề xuất xây dựng Luật kiểm soát ô nhiễm nước; đóng góp ý kiến đánh giá tác động của các chương trình, đề án, dự án liên quan đến nguồn nước và môi trường như đánh giá tác động thủy điện vừa và nhỏ được các cơ quan chức năng và xã hội ghi nhận.

TS Đào Trọng Tứ- Phó Chủ tịch Hội Tưới tiêu Việt Nam, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho biết, hiện 20% người dân chưa được sử dụng nước sạch, 17,2 triệu người vẫn sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn nước sạch của Bộ Y tế.

TS Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA phát biểu tại hội thảo

Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ liên quan đến nguồn nước và chất lượng nguồn nước. Mặc dù nguồn tài nguyên nước  rất dồi dào song phân bố không đều theo thời gian và không gian, có tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ, suy thoái, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng, khô hạn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn. Ngoài ra, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài.

Theo TS Đào Trọng Tứ, tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm là 80,6 tỷ m3/ 830 tỉ m3 (10% tổng lượng nước của cả nước.  Trong đó hơn 80% (khoảng 65 tỉ m3/năm) sử dụng cho nông nghiệp; nhu cầu dùng nước cho dân sinh, công nghiệp sẽ lên đến khoảng 130- 150 tỉ m3/năm, chiếm tới gần 50% lượng nước sản sinh trên lãnh thổ nước ta, gần 90% nguồn nước mùa khô (khoảng 170 tỉ m3). Nguy cơ thiếu nước là rõ ràng và ở mức nghiêm trọng. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn.

Tác động của biến đổi khí hậu đang hiện hữu và ngày càng tăng gây sức ép lên tài nguyên nước của Việt Nam. Đồng thời, việc quản lý tài nguyên nước còn nhiều bất cập là một trong những nguyên nhân không ngăn chặn và đẩy lùi được suy thoái và cạn kiệt tài nguyên nước, ông Tứ bày tỏ băn khoăn.

Bà Lê Thị Việt Hoa, Cục Quản lý Tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách quản lý tài nguyên nước; tập trung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương và ý thức của người dân trong việc giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; hoàn thiện việc xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên nước, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc khai thác sử dụng nước; nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với vùng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, các nhà khoa học đã chia sẻ, thảo luận các vấn đề về nước với cuộc sống và sức khỏe con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu; các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần vào phát triển bền vững ở Việt Nam.


Hải Yến
Ý kiến của bạn